kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Không gian địa lý: Vùng trung tâm diễn ra Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóclà các xã Đặng Xá, Phù Đổng của huyện Gia Lâm; phường Phúc Lợi của quận Long Biên; các xã Bắc Phú, Đức Hòa, Phù Linh, Tiên Dược, Tân Minh, Xuân Giang của huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

(Các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, quận Long Biên trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thành phố Hà Nội)

Hội Gióng còn diễn ra ở vùng phụ cận là địa bàn các xã Phù Lỗ, Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Lệ Chi (huyện Gia Lâm); Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm); Thống Nhất (huyện Thường Tín), thành phố Hà Nội.

Vùng lan tỏa của Hội Gióng còn mở rộng đến một số xã thuộc các huyện Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Thời gian tổ chức: Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch (tương truyền đây là nơi Thánh Gióng sinh ra)

Hội Gióng Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng (nơi Thánh Gióng bay về trời)

Cộng đồng chủ nhân di sản: Chủ nhân của Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóclà những nông dân người Việt (Kinh) sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước.Họ thể hiện sự biết ơn, niềm tin với Thánh Gióng bằng cách lập đền thờ và mở hội hàng năm.

Nhận diện di sản: Hội Gióng - một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi tại Hà Nội nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công lẫy lừng của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - tiêu diệt giặc Ân hung hãn, mở đầu trang sử vàng son chống ngoại xâm từ thời tiền sử đời vua Hùng Vương thứ VI.

Theo các nhà nghiên cứu, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch (tương truyền đây là nơi Thánh Gióng sinh ra) và Hội Gióng Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng (nơi Thánh Gióng bay về trời) là lễ hội có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Hội Gióng mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân khiến Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền ở Việt Nam.

Hội Gióng được lưu truyền từ thế kỷ XI đến nay, ẩn tàng tư tưởng đạo lý của người Việt, nhằm thể hiện sự hòa hợp trong quốc gia và gia đình, nhưng cũng chứa đựng những lớp văn hóa - tín ngưỡng lâu đời của người Việt như tín ngưỡng phồn thực, thờ thần mưa dông v.v…

Báo cáo kiểm kê về di sản: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

TỔNG QUAN VỀ KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

LỄ HỘI THÁNH GIÓNG /DÓNG

ĐỊA BÀN HAI HUYỆN GIA LÂM VÀ SÓC SƠN

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

( Thực hiện từ ngày 20 tháng 07 đến ngày 12 tháng 8 năm 2009)

TS. Bùi Quang Thanh

                                                             

1. Mục đích kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Lễ Hội Thánh Gióng:

Cuộc điều tra – kiểm kê giai đoạn 1 tại 2 trung tâm được coi là nơi sinh (Phù Đổng – Gia Lâm) và nơi hóa ( Vệ Linh – Sóc Sơn) của Thánh Gióng:

- 7 làng/thôn có liên quan trực tiếp đến tổ chức và sinh hoạt Hội Thánh Gióng tại xã Phù Đổng(bao gồm các làng/thôn: Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Đổng 3, Phù Dực 1, Phù Dực 2, Đổng Viên) và xã Đặng Xá(làng/thôn Đổng Xuyên), huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.

- 8 làng/thôn có liên quan trực tiếp đến tổ chức và sinh hoạt Hội Thánh Gióng  đền Sóc, trong phạm vi hành chính của 6 xã thuộc huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội. Cụ thể: Xã Phù Linh : Thôn Vệ Linh (7 xóm) và thôn Phù Mã (3 xóm);Xã Tiên Dư­ợc: Thôn D­ược Th­ượng (8 xóm); Xã Tân Minh: Thôn Xuân Dục (18 xóm/đội) và thôn Đan Tảo (3 xóm); Xã Bắc Phú: Thôn Yên Tàng (10 xóm); Xã Xuân Giang: Thôn Yên Sào (1 xóm); Xã Đức Hòa: Thôn Đức Hậu (10 xóm).

 Quá trình kiểm kê được thực hiện nhằm mục đích chính là:

- Khảo sát và đánh giá thực trạng sinh hoạt văn hóa lễ hội tại một địa vực cư trú vốn nảy sinh, tồn tại và lưu truyền hình thức lễ hội vào loại lớn nhất trong số gần mười nghìn lễ hội của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam – Lễ hội Thánh Gióng. Kết quả khảo sát sẽ góp phần nhận diện rõ nét hơn không gian sinh hoạt văn hóa lễ hội từ một lễ hội cụ thể, có phạm vi và hình thức sinh hoạt độc đáo, tiêu biểu cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, có thời gian tồn tại lâu đời nhất của người Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu các vùng lan toả của nghi lễ thờ phụng và văn hóa lễ hội Thánh Gióng từ địa bàn Hà Nội cho tới các tỉnh phụ cận cùng châu thổ, như Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình,… sắp tới.

- Bước đầu, tập hợp một cách có hệ thống những dữ liệu cụ thể do cộng đồng cung cấp, để đánh giá thực trạng hiện tồn của cơ sở vật chất cũng như sinh hoạt văn hóa lễ hội liên quan trực tiếp đến người anh hùng làng Gióng; từ đó, có kế hoạch tiếp tục triển khai hoạt động sưu tầm, bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa Lễ Hội Thánh Gióng (như đã tiến hành ở những cấp độ và mức độ khác nhau từ nhiều năm trước đây), tạo cơ sở dữ liệu khoa học cho các cấp quản lý văn hóa tham khảo, phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch đầu tư bảo tồn, tu bổ, khai thác giá trị văn hóa Hội Thánh Gióng, phục vụ công cuộc xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương sở tại hiện nay.

- Thu thập cứ liệu khoa học theo tiêu chí UNETSCO đặt ra để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ trình UNETSCO xét duyệt và công nhận di sản văn hóa phi vật thể Lễ Hội Thánh Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

2. Về việc lựa chọn địa bàn kiểm kê:

Việc lựa chọn các làng để tiến hành kiểm kê tập trung chủ yếu vào  một số vấn đề sau:

- Nắm được thực trạng tổ chức và tham gia trực tiếp thực hành sinh hoạt văn hóa lễ hội Thánh Gióng tại các làng cụ thể, kế tiếp truyền thống và phát huy trong xã hội hiện nay.

-  Nhận diện cụ thể các thế hệ thực hành sinh hoạt văn hóa lễ hội, trong đó lập  danh sách các thành phần trực tiếp tham gia điều hành, thực hành toàn bộ diễn trình một lễ hội hiện tại, trên cơ sở so sánh với diễn trình lễ hội truyền thống (được thực hành từ 1945 trở về trước) để có cơ sở nghiên cứu, khai thác giá trị nhằm phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa lễ hội của cộng đồng trong lịch sử.

- Kiểm kê các di sản văn hóa vật thể trong không gian sinh hoạt văn hóa của từng làng cụ thể, bao gồm: Đình, Đền, Chùa, Miếu, Nghè, các địa danh khác gắn với nhân vật được phụng thờ, nhân vật tâm linh giữ vai trò trung tâm của lễ hội.

- Nhận diện các hình thức hoạt động văn hóa trong sinh hoạt văn hóa lễ hội Thánh Gióng nói riêng và văn hóa làng của người Việt cổ truyền nói chung. Biểu hiện cụ thể qua các loại lễ hội, trò chơi dân gian, cách thức thực hành các thành tố văn hóa lễ hội.

- Nhận diện đặc điểm chính của loại hình sinh hoạt văn hóa lễ hội theo cách thức thực hành của từng làng: Các công đoạn và vị trí tham gia.

- Xác định những cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tham gia thực hiện trao truyền di sản văn hóa lễ hội qua các thế hệ tại 7 làng của huyện Gia Lâm và 8 làng của huyện Sóc Sơn, trong một không gian văn hóa cụ thể .

- Thẩm định hiện trạng lễ hội Thánh Gióng vốn đã được tìm hiểu, nghiên cứu trong các công trình khoa học từ trước đến nay (2009).

Nhìn chung, 15 làng được điều tra và kiểm kê lần này đều nằm trong khu vực có điều kiện tự nhiên tương đồng, trải dài trên thềm phù sa cổ sông Hồng, sông Cà Lồ, mà cận kề là sông Cầu và sông Đuống (vùng nhiều thềm ruộng trũng,  ao hồ kề bên thềm phù sa được bồi đắp). Riêng khu vực Sóc Sơn, nơi được coi là cửa ngõ giao thoa của vùng bán sơn địa trung du với đồng bằng, trục giao lưu qua lại về kinh tế, hàng hóa và văn hóa với các vùng Việt Bắc – Tây Bắc, vị trí địa- quân sự hiểm yếu trấn ngự phía Bắc cho Kinh đô Thăng Long. Kinh tế của các làng chủ yếu dựa vào nguồn thu nông nghiệp (trồng lúa, ngô), và trên quá trình phát triển đã tiếp cận với các hoạt động kinh tế mới như trồng cây cảnh, nuôi bò sữa, buôn bán tiểu thương,… với lợi thế ven quốc lộ theo trục giao lưu thuỷ, bộ Kinh Bắc – Thăng Long.

Dân c­ư có nguồn gốc hình thành từ lâu đời. Tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng thuộc hình thức đa thần, trong đó tín ngưỡng thờ thành hoàng và Phật giáo rất đậm nét. Riêng có 2 xã của Sóc Sơn (Phù Linh và Tân Minh), đã và dang là nơi định cư của gần 1000 người theo đại Thiên Chúa giáo. Nhìn về nguồn gốc lịch sử, vùng đất này vốn thuộc địa phận hành chính tỉnh Bắc Ninh, nằm trong địa bàn quần cư  và giao thoa văn hóa Kinh Bắc – Kinh Đô. Các thế hệ dân cư có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau về lịch sử, chính trị, kinh tế -  văn hoá xã hội. Do vùng đất này trải qua quá trình hình thành lâu dài và lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nên mật độ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phân bố khá đậm đặc. Nhiều biểu hiện cho thấy những di sản văn hóa lâu đời này được hình thành liên tục qua các thời kỳ lịch sử kế tiếp nhau, đặc biệt từ triều đại nhà Lý đến các triều đại quân chủ phong kiến sau này. Hầu hết các làng, rõ nhất là các làng/thôn của Sóc Sơn, đều có lễ hội của riêng mình, phụng thờ Thành hoàng làng và được bao bọc bởi các lớp làn sinh hoạt văn hóa đa dạng, đan xen phức tạp.

3. Ph­ương pháp thực hiện:

Phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin gồm phỏng vấn bảng hỏi, phỏng vấn sâu, ghi chép thông qua thảo luận nhóm, hồi cố lịch sử, thống kê và theo quan điểm tôn trọng tiếng nói của cộng đồng trong việc đồng thuận với nội dung giới thiệu về di sản văn hóa do chính cộng đồng sáng tạo và bảo tồn trong lịch sử.

4. Một số khó khăn:

- Khi thực hiện dự án này, nhóm nghiên cứu đã gặp phải một số khó khăn. Lễ hội Thánh Gióng vốn là một loại hình sinh hoạt văn hóa xuất hiện và tồn tại qua nhiều thế kỷ và được duy trì, bảo tồn trong vòng cương toả chặt chẽ của thiết chế văn hóa phong kiến. Tuy nhiên, trên bước đường phát triển của lịch sử xã hội và những biến đổi của cơ tầng địa lí tự nhiên, nhiều địa danh cũ đã bị thay thế bằng thứ ngôn ngữ hiện đại, người am hiểu di sản ngày một ít, thế hệ trẻ không được tiếp nhận một cách hệ thống và bền vững từ những hình thức trao truyền bằng văn bản học, nhiều cương vực hành chính đã biến cải, thay đổi hoặc mở rộng, nhiều tập tục sinh hoạt và thực hành lễ hội bị mai một so với thời kỳ cách đây vài chục năm, bên cạnh sự lấn át của văn hóa đương đại đối với văn hóa cổ truyền. Sự tiếp nối giữa các thế hệ bị ngắt quãng hàng chục năm do chiến tranh và điều kiện xã hội. Vì vậy, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị huỷ hoại, dẫn đến thực trạng lượng thông tin được cộng đồng cung cấp là hạn hẹp, ở một số trường hợp là mờ nhạt. Điều đó đã gây ra tình trạng rất khó giải mã sự tồn tại của một số thành tố văn hóa lễ hội hoặc không tránh khỏi những suy diễn, hiện đại hóa khi tiếp nhận lượng thông tin từ sự trình diễn trong quá trình thực hành lễ hội.

- Do thời gian thực hiện dự án eo hẹp và số cán bộ chuyên môn thực hiện có hạn nên việc tập hợp và khai thác tư liệu cùng cộng đồng còn hạn chế… Điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả kiểm kê, nghiên cứu, đặc biệt là việc thẩm định những biểu hiện của đặc trưng di sản và hệ thống ngôn ngữ cổ, gắn với sinh hoạt lễ hội truyền thống nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã nói chung.

5. Một số thuận lợi:

- Chính quyền và đội ngũ làm công tác quản lý văn hoá các xã và đội ngũ các trưởng thôn đã thường xuyên trực tiếp và quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra của công việc kiểm kê. Đặc biệt, các trưởng thôn, các bí thư chi bộ, cán bộ văn hóa thuộc 15 thôn đã trực tiếp tham gia tổ chức nhóm thảo luận tại địa phương, tham gia chủ động giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình thảo luận nhóm đại diện cộng đồng nhằm cung cấp thông tin cho việc điều tra-kiểm kê.

- Tất cả những người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc cung cấp thông tin tại đa số các thôn đều nhiệt tình, có quan điểm đồng thuận với nhu cầu bảo tồn, khai thác và trao truyền di sản lễ hội Thánh Gióng tại địa phương theo những phần việc vốn đã định hình theo tục lệ trong truyền thống, hoặc được Ban tổ chức và Ban khánh tiết giao phó.

- Sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các vị trong các ban quản lý di tích, hội người cao tuổi tại các thôn về công tác tổ chức, tham gia điều hành thảo luận nhóm đạt yêu cầu chất lượng đề ra của nhóm nghiên cứu.

5. Kết quả điều tra-kiểm kê:

Dựa vào những thuận lợi và khắc phục  những khó khăn trên, nhóm nghiên cứu đã thu được những kết quả nhất định. Nguồn tài liệu và thông tin do nhóm đại diện cộng đồng cung cấp, thông qua phiếu điều tra  đã được tập hợp, cho phép khẳng định: Đây là nguồn tư liệu tương đối phong phú, có nhiều thông tin mới, có hệ thống về lễ hội Thánh Gióng trong lịch sử  quá khứ và đương đại.

Bước đầu có sự nhận diện cụ thể về các di tích lịch sử – văn hóa tại 15 làng/thôn có liên quan trực tiếp đến sinh hoạt văn hóa lễ hội của địa phương (nổi bật nhất là sự gắn kết với các nghi lễ hội làng, nội dung thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa trong các ngày hội diễn ra tại Phù Đổng). Sự hiện tồn của lễ hội Thánh Gióng tại vùng đất Gióng sinh ra (theo truyền thuyết) chứa đựng trong đó những thông tin phù hợp với tiêu chí đặt ra đối với một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của UNETSCO.

6. Một số kết quả cụ thể rút ra từ cuộc điều tra-kiểm kê:

Các tư liệu thu thập được từ cuộc điều tra bao gồm nhiều nội dung, có thể chia thành 2 mảng chính: tư liệu định lượng (chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng như phỏng vấn bảng hỏi, thống kê… để thu thập tư liệu) và tư liệu định tính (được thu thập bởi các phương pháp hồi cố, dân tộc học,...).

Các tư liệu mô tả thực trạng sinh hoạt lễ hội ở các làng được chúng tôi trình bày cụ thể, kết hợp với việc giới thiệu một số thông tin chung về kết quả xử lý định lượng thông qua các cuộc thảo luận nhóm tại 15 làng/thôn với sự tham gia của những người thực hành lễ hội thuộc các nhóm tuổi khác nhau, đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau trong toàn bộ diễn trình lễ hội Thánh Gióng. Các thông tin này phản ánh về: a/ Những hoạt động lễ hội diến ra trong quá khứ; b/ Các hoạt động lễ hội trong hoàn cảnh đương đại; c/Những đặc điểm cơ bản của lễ hội Thánh Gióng;; d/ Thực trạng văn hóa vật thể gắn với lễ hội Thánh Gióng; và e/ Những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức lễ hội và bảo tồn, khai thác giá trị lễ hội Thánh Gióng.

6.1. Lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng:

a. Những hoạt động lễ hội  tại trung tâm xã Phù Đổng diễn ra trong quá khứ:

- Theo những ghi chép hệ thống từ tư liệu hồi cố của các bậc cao niên ở tất cả 7 thôn (17 xóm), lễ hội Thánh Gióng trước đây (từ 1945 trở về trước) tổ chức thường niên, mức độ và phạm vi tương đương như hội chính hiện nay, trừ những năm thiên tai gây mất mùa hoặc dịch bệnh. Không đặt ra hai hình thức tổ chức Hội chính và Hội lệ như hiện tại đang thực hiện.

- Về chủ thể tổ chức và điều hành lễ hội: Theo quy định của chính quyền phong kiến, từ trước cách mạng tháng Tám 1945, trực tiếp đứng ra tổ chức và điều hành lễ hội Thánh Gióng chỉ có 2 làng/thôn Phù Đổng (với các giáp Ban, Tự, Bộ, Chợ, Đông, Đoài) và Phù Dực (với các giáp Nông, Me, Từa, Gạo). Với hình thức tổ chức hội luân phiên, chính quyền phong kiến quy định mỗi năm chỉ có 1 giáp (thuộc một trong 10 giáp trên) đứng ra làm nhiệm vụ phục vụ hội, đảm nhiệm các chức danh ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu trung quân, Hiệu tiểu cổ). Các vai diễn Phù giá, Cô tướng được phân bổ cho 4 làng/thôn Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên.

- Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài từ ngày 1 tháng 4 âm lịch đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. Nội dung thực hành trình diễn trong lễ hội được thể hiện cụ thể: Ngày mùng 1 thi kèn trống; ngày mùng 5 triển khai các đội phù giá luyện tập; ngày mùng 6 tổ chức rước nước; ngày mùng 7 tổ chức rước cỗ, rước văn (sáng), tế Thánh, tập đội Phù giá (trưa), làm lễ Khám đường ở miếu Ban; ngày mùng 8 thực hành lễ tuyển binh- kén tướng; ngày mùng 9 tổ chức đánh cờ ở Đổng Viên và Soi Bia; ngày mùng 10 trình diễn cảnh tướng giặc ra hàng và lễ ban yến tại trung tâm đền Thượng; ngày 11 tổ chức rước cỗ và rước nước; ngày 12 tổ chức rước cỗ, làm lễ tế Thần và lễ Khám đường.

- Theo thiết chế quy định của chính quyền phong kiến, vào những ngày mở hội, người dân của 2 thôn Đổng Viên, Đổng Xuyên không được vào đền, chỉ được tham gia hành hội với chức danh Hiệu báo.

- Các tiêu chí đặt ra trong việc lựa chọn các vai diễn phục vụ các công đoạn của lễ hội đều chi tiết, nghiêm ngặt và cụ thể.

- Về tên gọi của lễ hội: Hiện trong cộng đồng có 5 cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất: Đa số người dân đều căn cứ vào truyền thuyết dân gian kể về việc Thánh dùng các khúc tre, nhổ cây tre có gióng để đánh giặc nên gọi lễ hội là Hội Thánh Gióng (dùng GI). Cách hiểu thứ hai: Mẹ Thánh đi qua vườn cà trong một đêm mưa giông bão, sấm chớp đùng đùng và dẫm phải vết chân lạ, về có mang, sau đó sinh ra Gióng. Làng nơi mẹ Thánh thụ thai (vết chân vườn cà) được gọi là Gióng Mốt (dùng GI). Cách hiểu thứ ba: Trong đêm mưa gió, mẹ Thánh đi qua vườn cà và dẫm phải vết chân ông Đổng, thuộc dòng dõi của Ông Đùng, Bà Đà, về mang thai và sau đó sinh ra Dóng (dùng D). Cách hiểu thứ tư: Khi sinh ra, Thánh được cho nằm trên chõng/nôi tre, tiếp kiến sứ giả. Vì tre có đốt/gióng nên người dân gọi tên ngài là ông Gióng (dùng Gi). Cách hiểu thứ năm: Vì ngài sinh ra tại làng Gióng Mốt (tên làng có từ trước khi ngài sinh ra !) nên gọi là ông Gióng (dùng Gi). 90% cộng đồng thường xuyên sử dụng cách gọi và cách viết là Gióng (GI).

- Cơ sở vật chất được dành để cung cấp tài chính phục vụ việc sửa chữa cơ sở vật chất nơi thờ phụng khi bị hư hỏng và tế lễ trong các dịp lễ hội hàng năm là 105 mẫu ruộng do chính quyền phong kiến quy định tại làng/thôn Phù Dực.

- Phụ trách Khai hội là luân phiên của người đứng đầu 2 làng Phù Đổng, Phù Dực.

Nhận xét sơ bộ: Lễ hội Thánh Gióng/ Dóng trong quá khứ diễn ra quá dài (gần nửa tháng), ảnh hưởng không ít đến công việc thời vụ và sinh hoạt dân sinh hàng năm. Trong quá trình hành hội, có sự phân biệt, đối xử  so lệch, dễ gây ra sự không đồng thuận trong cộng đồng giữa các làng/thôn.

b. Những hoạt động lễ hội Phù Đổng trong hoàn cảnh đương đại:

- Trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, lễ hội Thánh Gióng bị gián đoạn từ 1943 đến 1956 (chỉ tổ chức hội vào các năm 1956,1957,1958).

- Trong kháng chiến chống Mỹ và chống xâm lược bành trướng phương Bắc, lễ hội Thánh Gióng bị gián đoạn 20 năm (từ 1959 đến 1979).

- Từ năm 1980 trở về trước, nhiều di tích đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ và ao đầm bị huỷ hoại do giặc ngoại xâm, do thời gian và do người dân thiếu ý thức bảo tồn phá hoại, lấn chiếm.

- Từ 1980 đến nay (2009), căn cứ vào thực tế đời sống và điều kiện phục hồi lễ hội theo tiêu chí văn hóa cách mạng, lễ hội Thánh Dóng được tổ chức theo 2 hình thức: Hội chính(5 năm một lần)Hội lệ (thường niên), đảm bảo phục vụ mục tiêu vừa bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, vừa tạo thuận lợi cho các địa phương có điều kiện thuận lợi xây dựng và phát triển toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa xã hội.

c. Những điểm khác về mặt tổ chức so với quá khứ:

- Thời gian hành hội tập trung vào 3 ngày, mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư theo lịch Trăng (ÂL) hàng năm. Hội lệ diễn ra thường niên. Hội chính diễn ra 5 năm một lần. Toàn bộ diễn trình lễ hội được triển khai thực hiện theo 3 giai đoạn:

* Giai đoạn thứ nhất tiến hành từ đầu tháng Ba âm lịch, thảo luận và lựa chọn hoặc cử nhân sự tham gia các vai ông Hiệu;

* Giai đoạn thứ hai từ mùng 5 tháng Ba đến mùng 6 tháng Tư âm lịch tổ chức luyện tập tại các nhóm và tổng duyệt;

* Giai đoạn thứ ba: hành hội, tập trung vào 2 ngày chính Hội.

- Người dân của 4 làng (nay chia thành 7 thôn/làng) đều được tham gia lễ hội hàng năm hoặc các dịp hội chính một cách bình đẳng, từ đóng góp nhân sự đến hưởng các quyền lợi vật chất và tinh thần thu nhận từ lễ hội. Những vai chính trong hội (ông Hiệu) được tiếp nhận theo thứ tự luân phiên, quay vòng.

- Thành phần đứng ra tổ chức điều hành và quản lý do Ban quản lý di tích đền Gióng đảm nhiệm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cấp xã.

- Kinh phí phục vụ lễ hội do chính quyền tài trợ kết hợp với công đức của toàn dân, không còn công thổ hoa lợi chung như xã hội phong kiến đặt ra.

b.2. Số lượng các vai diễn được thực hành trong lễ hội chính:

1. Ông Hiệu: 5 người (Cờ, Trống, Chiêng, Trung quân, Tiểu cổ).

2. Đội nữ tướng: 28 người, không quá 13 tuổi.

3. Đội phù giá: 72 người.

4. Phường áo đỏ: 90 người.

5. Phường áo đen: 48 người.

6. Phường Ải lao: 25 người.

7. Các vai Tiên nghiệm 2 người, Khai kỳ 1 người, Chấp kỳ 1 người, Khởi chỉ 1 người.

8. Những người phục vụ các ông Hiệu:

- Phục vụ ông Hiệu cờ: 30 người.

- Phục vụ ông Hiệu trống, chiêng, trung quân: 25 người.

- Phục vụ ông Hiệu Tiểu cổ: 12 người.

- Phục vụ mỗi cô tướng: 15 người.

Nhận xét sơ bộ: Đây là lễ hội có số lượng vai diễn đông nhất trong số gần chục nghìn lễ hội ở Việt Nam, đi theo là trang phục, công cụ biểu diễn rất đa dạng, phong phú và theo những hệ thống quy định chặt chẽ, đảm bảo tính hoành tráng, uy nghi, đẹp mắt và phù hợp với từng loại ý nghĩa riêng.

d. Những đặc điểm cơ bản của lễ hội Thánh Gióng ở khu vực Phù Đổng:

1. Lễ hội Thánh Gióng là lễ hội có số lượng các vai diễn hàng trăm người, thuộc loại lễ hội mang tính cộng đồng hoành tráng nhất ở Việt Nam.

2. Lễ hội Thánh Gióng được diễn ra cùng lúc trên một không gian hợp nhất rộng lớn và chiếm khoảng thời gian dài, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng một cách tự giác, nhiệt tình trong quá trình đóng góp nhân tài, vật lực cho toàn bộ diễn trình lễ hội.

3. Đây là lễ hội thể hiện mức độ hoành tráng nhất, công phu nhất cả về công tác chuẩn bị lẫn quá trình luyện tập bài bản, công phu và đòi hỏi sự đồng thuận, nhịp nhàng trong quá trình hành hội.

4. Các vai diễn thể hiện trong lễ hội đều tuân thủ khuôn phép chặt chẽ, đòi hỏi sự đồng thuận cao cả về tinh thần, nhận thức và sức khỏe, nằm trong hệ thống vận hành nghiêm ngặt của diễn trình lễ hội.

5. Đây là lễ hội có hệ thống quy tắc thực hành chặt chẽ, những tập tục và tiêu chí nghiêm minh đối với tất cả các vai diễn và các thành viên trong cộng đồng sở tại trong quá trình rèn luyện, tập luyện theo bài bản truyền thống lễ hội, trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người thực hành và tham gia phục vụ lễ hội . Thể hiện cụ thể:

- Quy định về tiêu chí chọn các ông Hiệu.

- Quy định về cách thức sinh hoạt và tập luyện của các ông Hiệu.

- Quy định về quá trình luyện tập của từng loại vai diễn khác.

- Quy định về các hiệu lệnh tập trung và điều hành các bước hành hội tại các địa điểm thực hành.

e. Hệ thống các di tích vật chất gắn với tín ngưỡng, tâm linh trong phạm vi không gian của lễ hội Thánh Gióng khu vực Phù Đổng:

1. Thôn Phù Đổng I, xã Phù Đổng:

- Đình:  1 đình (đình Phù Dực)

- Đền:  2 đền (đền Th­ượng, đền Hạ)

- Chùa: 2 chùa (Kiến Sơ và Hư­ơng Hải)

- Miếu: 3 miếu (Miến Ban, miếu Phú, miếu Chợ)..

- Các loại di tích khác:

 + 1 am (am ông Khống)

           + 1 giếng (giếng Mía)

           + 1 v­ườn hoa (v­ườn hoa Cố Trạch)

           + 1 ao (ao Quan)

2.Thôn Phù Dực 1, xã Phù Đổng:

- Đình: 1 đình. Hiện nay đã bị phá.

- Đền: 2 đền (đền Th­ượng và đền thờ Thánh Mẫu – mẹ Thánh Gióng)

- Chùa:1 chùa (tên cũ là Sùng Khánh Tự nay là chùa Phù Dực 1)

- Miếu: 1 miếu (miếu Ban)

- Các loại di tích khác: + 1 trại Nón.

3.Thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng:

- Đình: 1 đình làng, diện tích sử dụng 50m2

- Chùa: 1 chùa, diện tích sử dụng 200m2.

- Các loại di tích khác:

+ 1 mô Đống Tam Thai ( là 3 gò đất)

4.Thôn Phù Đổng II, xã Phù Đổng:

- Đình:  1 Đình ( Hạ Mã) xây đời Lý, diện tích  200 m2.

- Đền: 2 đền (đền Th­ượng, đền Hạ) 

- Các loại di tích khác:

 + Giá ngự

           + Soi Bia

           + Giếng Bầu Dục.

5. Thôn Phù Đổng 3, xã Phù Đổng: Không có di tích vật thể.

6.Thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng:

- Đình: 1 đình thờ ông Nguyễn Nộn.

- Chùa: 1 chùa (chùa Phù Dực hay còn gọi là Sùng Khánh Tự).

- Nghè: 1 nghè (Cửa nghè), hiện nay đổ nát không còn nữa.

- Các loại di tích khác: Am là ngôi nhà đá thờ ông Am làm quan nay dòng họ Nguyễn Thái thờ.

7.Thôn Đổng Xuyên (Gióng Mốt), xã Đặng Xá:

- Đình:  01 đình (đình Gióng Mốt), diện tích 1000m2.

- Đền: 1 đền (thờ Thánh Mẫu -  mẹ Thánh Gióng)

- Chùa: 01 chùa , diện tích 562m2.

Nhận xét sơ bộ: Hầu như các di tích vật chất đã được phục dựng hoặc được phục hồi tu bổ từ cuối thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI (trừ khu vực di tích đền Thượng). Cho đến nay, đa số các địa điểm thờ tự đều xuống cấp, một số mới được đầu tư tu bổ, phục dựng. Diện tích đất đai vốn thuộc phạm vi các khu thờ tự hầu hết đã bị lấn chiếm, theo các mức độ khác nhau. Cảnh quan các di tích hầu như bị phá vỡ hoặc bị lấn át, bao lấp. Môi trường sinh thái tại các đường biên bị tác động xấu do sinh hoạt dân sinh. Một số di tích thiếu sự quan tâm của các cấp quản lý văn hóa. Tại một số di tích, mặt bằng bị lấn chiếm hoặc được dùng cho mục đích sử dụng ngoài phạm vi tín ngưỡng, tâm linh. Theo thống kê của chính quyền địa phương, cho đến nay, tại 7 thôn trực tiếp tham gia vào lễ hội, 90% số ao đầm đã bị lấp phục vụ những mục đích khác nhau theo nhu cầu đương đại. Nhiều ao, đầm liên quan đến vết tích và hành trạng của Thánh Dóng (truyền lại qua truyền thuyết) không còn nữa. Ví dụ: nơi Dóng lấy nước cho quân sĩ sinh hoạt, nơi đánh trận, các vết chân ngựa Dóng, những bụi tre đằng ngà,…

6.2. Lễ hội Thánh Gióng ở Vệ Linh:

-a. Những hoạt động lễ hội diễn ra trong quá khứ:

- Theo những ghi chép hệ thống lại từ t­ư liệu hồi cố của các bậc cao niên ở tất cả 8 thôn ( 60 xóm), lễ hội tại các địa phư­ơng tr­ớc đây (từ 1945 trở về tr­ước) tổ chức th­ường niên, mức độ và phạm vi có sự khác nhau giữa các thôn/làng (tuỳ theo điều kiện vật chất và hoàn cảnh xã hội, truyền thống tín ng­ưỡng). Có 2 loại lễ hội đư­ợc thực hành th­ường niên trong quá khứ: Lễ hội liên quan đến Hội Gióng đền Sóc từ 6 đến 8 tháng Giêng (còn gọi là Hội đền Sóc) và lễ hội riêng của từng làng/thôn theo thời gian khác nhau, chủ yếu phụng thờ thành hoàng làng hoặc các nhân vật lịch sử khác, tập trung vào khoảng thời gian giữa tháng Giêng hoặc giữa tháng Chín âm lịch.

- Về chủ thể tổ chức và điều hành lễ hội: Theo quy định của chính quyền phong kiến, từ tr­ước cách mạng tháng Tám 1945, Hội đồng chức sắc hàng Tổng đứng ra trực tiếp tổ chức và điều hành lễ hội Thánh Dóng khu vực đền Sóc. Với lễ hội riêng từng làng nằm ngoài thời gian của hội đền Sóc, hình thức tổ chức do các giáp trong từng làng hợp sức đứng ra làm nhiệm vụ phục vụ hội, đảm nhiệm các chức trách, công việc do Hội đồng tr­ưởng lão quy  định.

Theo bia ký ở đền Sóc đ­ược chạm khắc từ giữa thế kỷ XVII (bia 8 mặt, mặt số 6), kể từ thời Lý đến các triều đại phong kiến sau này, có 21 tổng, gồm 172 xã/ thôn cùng thờ Thánh Gióng đền Sóc. Những nơi này hoặc trực tiếp tham gia thực  hành lễ hội hoặc dâng lễ cúng tiến, thờ vọng. Dân thôn Vệ Linh đ­­ược sắc chỉ cho làm Tạo Lễ , đ­­ược cấp ruộng trồng cấy để lấy nguồn phục vụ cho việc tế lễ, cũng đư­ợc miễn trừ tô thuế, s­u sai tạp dịch ...

Hàng năm, theo tập tục, diễn trình hội Thánh Gióng đền Sóc có tới 12 ngày lễ. Ngày lễ đầu dành cho các làng dâng lễ phẩm. Trung tâm của suốt cuộc hành lễ tập trung cử hành vào ngày 6 và7 tháng Giêng hàng năm.

Theo hồi cố của các bậc cao niên trong đợt kiểm kê (8-2009), diễn trình lễ hội đền Sóc đ­ược thực hành những nội dung cơ bản sau:

       - Nửa đêm mồng 5 rạng sáng mồng 6 tết, quan viên và bô lão làng Vệ Linh làm lễ Khai quang( tiến hành nghi lễ mộc dục/tắm t­­ượng). Sau đó các quan viên đ­ư­ợc cắt cử chầu “Hầu thánh” suốt đêm. Trong đêm đó, tù và, chiêng trống vang vọng khắp vùng.

       - Rạng  sáng 06 tháng Giêng, từ đền nổi lên 3 hồi trống động báo hiệu nghi lễ tiến dò hoa tre, cây dò đầu tiên (dò đầu n­­ước) là của làng Vệ Linh, sau đó đến các đoàn r­ước của các làng tham dự vào đền Th­­ượng.

       - Làng D­­ược Th­­ượng r­­ước voi, mang theo binh khí, cờ, đuốc và hò reo.

        - Làng Đan Tảo r­­ước ngà voi.

         - Đêm  06 rạng ngày 07 thôn Vệ Sơn Đông dâng quân thuyền (rư­­ớc trải) là 20 hình nhân đ­­ược cắt thành 2 hàng trên 1 kiệu tre hình đầu rồng đuôi én. Khi r­­ước vào đền hành lễ xong, những ngư­­ời khiêng kiệu vứt vội trải và bỏ chạy. Dân đi dự hội sợ gặp phải  “trải”, họ cho rằng gặp “trải” sẽ xúi cả năm.

          - Sáng 07, làng Yên Tàng dâng dò l­­ưỡi mác và làm lễ “chém t­­ướng” ở đồi Yên Ngựa (quả đồi gần ngã ba khu vực đền).

          Trong những ngày hành hội, khách du xuân thăm đền còn đi lại tấp nập và tham dự các trò chơi nh­­ư đu quay, tổ tôm, bắt trạch trong chum, leo cầu, bắt vịt dưới ao, xem hát tuồng, hát chèo...

Ngoài việc tham dự vào lễ hội lớn nhất trong năm, hầu hết các làng/thôn đều có lễ hội riêng của mình, chủ yếu phục vụ cho tín ng­ưỡng thờ Thành hoàng làng, vào thời gian so lệch nhau.

b. Những hoạt động lễ hội trong hoàn cảnh đ­ương đại:

-Tr­­ước Cách mạng tháng Tám 1945, hàng năm, cứ từ mồng 06 đến mồng 08 tháng Giêng (âm lịch) thì lễ hội đền Sóc đ­­ược cử hành rầm rộ, tôn vinh ngư­­ời anh hùng của dân tộc. Như­­ng trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ, lễ hội đó đã hoàn toàn bị mai một, bản thân đền Sóc cũng bị tàn phá.

-Từ năm 1994, đền Sóc đã đư­­ợc Nhà n­ước và nhân dân kết hợp đầu t­ư trùng tu to đẹp, đảm bảo về cơ bản dáng dấp truyền thống. Việc mở lại lễ hội đền Sóc gặp không ít khó khăn vì lễ hội đã bị đứt quãng gần nửa thế kỷ (1945-1994).  Kịch bản  tổ chức lễ hội khu vực đền Sóc đư­ợc xây dựng lại trên cơ sở nghiên cứu hồi cố từ ngư­ời dân và đã đ­­ược Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, Uỷ ban nhân dân huyện Sóc Sơn, Phòng Văn  hoá- Thông tin huyện Sóc Sơn chấp thuận; và từ năm 1994 cho phép triển khai thực thi trong cuộc sống.

- Những nội dung chính đ­ược thực hành trong lễ hội Thánh Gióng khu vực đền Sóc:

+ Sáng sớm ngày 6 tháng Giêng: làm lễ Khai quang (còn gọi là lễ mộc dục) gồm các nghi thức tắm t­­ượng cổ truyền, do các bô lão làng Vệ Linh thực hiện.

+Song hành với lễ Mộc dục, dân chúng của 8 làng có trò tham gia hội r­­ước các sản vật cung tiến thánh về tập kết ở cạnh đền Hạ Mã. Sau đó, sắp xếp thành các đoàn (bao gồm 1 hoặc một số nhóm trò) xuất phát h­­ướng vào đền Sóc theo trình tự:

- Đội cờ đi đầu. Những ng­ười cầm cờ mặc áo mầu đỏ, thắt l­­ưng bó que.

- Tiếp sau là đội trống, chiêng.

- Tiếp sau là biểu t­­ượng ngựa Gióng làm bằng tre hoặc gỗ dán có vẽ các hoa văn mây, ngựa cao 4-5 m, vẽ theo thế đang chồm bay. Đi trư­­ớc và đi sau ngựa là hai hàng võ sinh ăn mặc phỏng theo phục trang chiến binh thời vua Hùng. Tay cầm binh khí và gậy tre ngà.

- Sau đó là đội dâng h­­ương, đội diễn văn múa xính tiến và múa rồng, bát âm. - Đội dò hoa tre của làng Vệ Linh.

- Đoàn r­­ước ngà voi Đức Hậu.

-  Đoàn r­­ước voi D­­ược Thư­­ợng.

-  Đoàn cỏ voi Yên Sào r­­ước sau đoàn voi.

-  Đoàn r­­ước cây trầu của Đan Tảo.

- Đoàn r­­ước cầu của Xuân Dục.

- Sau cùng là những đoàn/nhóm cung tiến tự do khác.

c. Những điểm khác về mặt tổ chức so với quá khứ:

- Thời gian hành hội hiện nay ngắn hơn nhiều so với lễ hội truyền thống.

- Ng­ười dân của 8 làng (nay chia thành 60 xóm) đều đ­ược tham gia lễ hội hàng năm hoặc các dịp hội chính một cách bình đẳng, từ đóng góp nhân sự đến hư­ởng các quyền lợi vật chất và tinh thần thu nhận từ lễ hội.

- Thành phần đứng ra tổ chức điều hành và quản lý doTrung tâm quản lý di tích đền Gióng đảm nhiệm, d­ưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp xã, huyện.

- Kinh phí phục vụ lễ hội do chính quyền tài trợ kết hợp với công đức của toàn dân, không còn công thổ hoa lợi chung nh­ư xã hội phong kiến đặt ra.

- Do đề cao vấn đề trật tự an ninh và nếp sinh hoạt văn hóa văn minh, nên lễ hội hiện nay bị giảm về mức độ náo nhiệt, hình thức tế lễ đơn giản, các loại vật phẩm dâng lễ không đa dạng và ý nghĩa của những vật thiêng cũng suy giảm theo.

- Số l­ượng các làng/thôn trực tiếp tham gia thực hành trong quá trình hành hội bị thu hẹp (8 làng so với hàng trăm làng trư­ớc đây).

- Một số hình thức tế lễ r­ườm rà đ­ược t­ước bỏ (lễ r­ước Trải, tục tranh giành nhau đ­ưa lễ về đền Th­ượng, tục đánh nhau cướp hoa tre,…).

d. Những đặc điểm cơ bản của lễ hội Thánh Gióng ở khu vực đền Sóc:

1. Lễ hội Thánh Gióng khu vực đền Sóc là lễ hội mang tính cộng đồng rộng lớn. Tuy số l­ượng tham gia trực tiếp đã giảm nhiều song nó vẫn thu hút sự quan tâm tham dự của cộng đồng dân chúng khắp vùng đồng bằng trung châu Bắc Bộ.

2. Lễ hội Thánh Gióng đư­ợc diễn ra trên một không gian hợp nhất và chiếm khoảng thời gian dài, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng một cách tự giác, nhiệt tình trong quá trình thể hiện bản sắc của từng nhóm cộng đồng (hàng tổng hoặc của làng/thôn), thể hiện nhân tài, vật lực và ý thức đề cao vai trò ng­ười anh hùng dân tộc trong toàn bộ diễn trình lễ hội.

3. Đây là lễ hội thể hiện sự đa dạng về mặt hình thức liên quan đến hành trạng đánh giặc của Thánh Gióng, đòi hỏi sự đồng thuận nhịp nhàng trong quá trình hành hội.

4. Các vai diễn thể hiện trong lễ hội đều mang khuôn phép chặt chẽ của nhận thức tâm linh, đòi hỏi sự đồng thuận cả về tinh thần, nhận thức và sức khỏe, nằm trong hệ thống vận hành nghiêm ngặt của diễn trình lễ hội, có biểu hiện thi đua/ganh đua giữa các làng/thôn.

e. Hệ thống các di tích văn hóa vật thể gắn với tín ng­ưỡng, tâm linh trong phạm vi không gian của lễ hội Thánh Gióng khu vực Vệ Linh - Đền Sóc:

1. Thôn Đan Tảo, xã Tân Minh:

- Đình: tr­­ước đây có 1 đình  (đã bị giặc Pháp phá trong chiến tranh. Hiện chư­­a khôi phục lại)

- Chùa: 2 chùa (chùa lớn, chùa con - hay còn gọi là chùa Huyền)

- Miếu: 3 miếu (miếu xóm 1, miếu xóm 2, miếu xóm 3).

2. Làng Vệ Linh, xã Phù Linh:

- Đình:  1 đình (Đình làng Vệ Linh),  diện tích 2000m2.

- Chùa: 1 chùa (chùa làng Vệ Linh), diện tích 2000m2.

- Miếu:  2 miếu (miếu Cả và miếu Âm Hồn).

- Các loại di tích khác:  + 1 Văn chỉ Tế Bách

                                    + 1 núi mang tên Chém T­­ướng

                                    + 1 cánh đồng (cánh đồng Sóc)

                                    + 1 núi mang tên Yên Ngựa.

3. Thôn Yên Sào, xã Xuân Giang;

- Đình:  1 đình, diện tích 70m2 trong khuôn viên 360m2

- Đền: 1 đền (đền Bạch Đa) diện tích 21m2

- Chùa: 1 chùa

- Các loại di tích khác: + 1 ao (ao Hàng Huyện)

4. Thôn Đức hậu, xã Đức Hoà:

- Đình: 1 đình , điện tích 1 mẫu, 1 sào, 11 thư­­ớc = 4224 m2, thờ Đức thánh Tam Giang

- Chùa: 1 chùa, diện tích 1 mẫu, 1 sào, 7 thư­­ớc = 4128 m2, thờ Phật

- Các loại di tích khác: Ao Sen 8 sào, 7 th­­ước (3048m2)

5. Thôn Phù Mã, xã Phù Linh:

- Đình:  1 đình, diện tích 500m2 trong khuôn viên có diện tích 1440m2.

- Đền: 1 đền , diện tích 3400m2 trong khuôn viên 18000m2. (sau đền ghi 2 chữ Hạ mã)

- Chùa: 1 chùa, diện tích 400m2 trong khuôn viên 7200m2.

- Các loại di tích khác:

+ 2 núi giáp với địa phận Vệ Linh (núi Chém Tư­­ớng, núi T­­ướng)

          + 1 đồi (đồi Yên Ngựa)

          + 1 gò (gò Bánh Dầy)

          + 1 bãi (bãi Vua)

6. Thôn Xuân Dục, xã Tân Minh:

- Đình: 2 đình      

+ Đình làng có diện tích 1980m2,

                + Đình Hội Phúc (Văn chỉ Hội Phúc), diện tích 1800m2

 - Chùa: 1 chùa, diện tích 2800m2 .

- Miếu: 8 miếu tổng diện tích 103m2 sử dụng.

7. Thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú

- Đình: 2 đình      

+ Đình xóm cuối: diện tích 282m2, xây dựng lại 32m2

                + Đình Trung tâm. Diện tích: 612m2, xây dựng lại: 150m2

- Đền: Trư­­ớc đây có 1 đền như­­ng đã bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp.

- Chùa: 1 chùa, diện tích 560m2 trong khuôn viên 4150m2

- Miếu: 1 miếu, diện tích 378m2.

- Nghè: 1 nghè, diện tích 340m2,

- Các loại di tích khác: +  6 điếm thuộc 5 xóm(xóm Mũ, xóm M­ơi, xóm Nghè, xóm Ngô Khê, xóm Trại Táo).

8. Làng D­­ược Th­­ượng, xã Tiên Dư­­ợc:

 - Đình: 1 đình, diện tích 800m2 với diện tích sử dụng 260 m2

 - Chùa: 1 chùa, diện tích 4400m2, diện tích sử dụng 100 m2 .

 - Nghè: 1 nghè, diện tích 400 m2, đã bị giặc Pháp phá năm 1951 nay chỉ còn bãi trống.

- Các loại di tích khác:

+ 2 giếng nư­­ớc cổ  (giếng Tây và giếng Cổng).

+ Một số tấm bia đá.

Nhận xét sơ bộ: Đa số các địa điểm thờ tự đều xuống cấp. Diện tích đất đai vốn thuộc phạm vi các khu thờ tự hầu hết đã bị lấn chiếm, theo các mức độ khác nhau. Cảnh quan các di tích hầu nh­ư bị phá vỡ hoặc bị lấn át, bao lấp. Môi trư­ờng sinh thái tại các đ­ường biên bị tác động xấu do sinh hoạt dân sinh. Một số di tích thiếu sự quan tâm của các cấp quản lý văn hóa. Tại một số di tích, mặt bằng bị lấn chiếm hoặc đ­ược dùng cho mục đích sử dụng ngoài phạm vi tín ng­ưỡng, tâm linh. Theo thống kê của chính quyền địa ph­ương, cho đến nay, tại 8 thôn trực tiếp tham gia vào lễ hội, 85% số ao đầm đã bị lấp phục vụ những mục đích khác nhau theo nhu cầu đ­ương đại. Nhiều ao, đầm, nghè, miếu liên quan đến vết tích và hành trạng của Thánh Dóng (truyền lại qua truyền thuyết) không còn nữa. Ví dụ: nơi Dóng lấy n­ước cho quân sĩ sinh hoạt, nơi đánh trận, các vết chân ngựa Dóng, những bụi tre đằng ngà,…

F. Về xu hướng trao truyền di sản qua các thế hệ:

- Thông qua hiện trạng thực hành trình diễn trong toàn bộ diễn trình lễ hội Thánh Dóng, các phiếu điều tra cho phép nhận biết một số thông tin về xu hướng trao truyền di sản. Cụ thể:

1. Thành phần nắm giữ mọi cách thức, nội dung chương trình lễ hội là các bậc cao niên, những người đã có thời gian trực tiếp tham gia thực hành các công đoạn của lễ hội từ 2005 trở về trước. Phần lớn các đối tượng này đã và đang là các thành viên của Ban khánh tiết và Ban quản lý di tích hội Dóng.

2. Lực lượng chủ yếu trực tiếp tham gia thực hành trong lễ hội là các thế hệ thanh - thiếu nhi, tuổi từ 10 đến 20. Riêng lễ hội tại Phù Đổng, số lượng các vai diễn dưới 13 tuổi khá đông. Chính vì vậy, đây sẽ là đối tượng có điều kiện sớm được trao truyền cách thức thực hành lễ hội, nắm vững công đoạn trình diễn vốn đã được đảm trách, tập luyện tối thiểu qua một kỳ lễ hội.

3. Thông qua phiếu kiểm kê, 100% người tham gia thảo luận đều khẳng định, thế hệ trẻ, con cháu các gia đình trong các xóm đều nhiệt tình và hứng thú muốn được tham gia trực tiếp vào các công việc của lễ hội. Phỏng vấn ngẫu nhiên các cháu đã tham gia kỳ lễ hội năm 2005, tất cả đều tự hào được chọn đóng các vai diễn và luôn sẵn sàng được góp công sức phục vụ lễ hội một cách tự giác, cho dù không được nhận thù lao, miễn là được nhà trường và gia đình cho phép.

I. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình bảo tồn và khai thác giá trị di sản:

I.1. Về tình trạng và hiệu ứng tích cực của di sản:

- Cho đến nay, lễ hội Thánh Dóng được thực hành ở khu vực Phù Đổng, huyện Gia Lâm và khu vực Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, về cơ bản đã được phục hồi tương đối nguyên vẹn theo tập tục tổ chức lễ hội trong truyền thống, đạt đến trình độ tổ chức cao ở tất cả các công đoạn chuẩn bị nhân sự và đạo cụ, tập luyện, thực hành, sự gắn kết logic ở các lớp lang trang phục, đạo cụ và diễn trình từ cục bộ đến toàn bộ hệ thống.

- Chính quyền và các bộ máy quản lý văn hóa các cấp, đặc biệt là cấp xã đã trực tiếp gánh vác trách nhiệm tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra tất cả mọi khâu của quá trình chuẩn bị nhân tài vật lực, diễn tập và hành hội. Tổng hợp các phiếu điều tra của các nhóm đại diện cho cộng đồng, có thể nhận thấy sự hài lòng của dân chúng đối với chính quyền địa phương cấp xã và cấp thôn. Điều đó cho thấy rõ cơ sở tạo ra sự đồng thuận theo chiều hướng tích cực để duy trì lễ hội một cách bền vững và đem lại hiệu ứng tích cực trong quá trình khai thác những giá trị và ý nghĩa của lễ hội, phục vụ công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong hiện tại và lâu dài.

- Quan điểm và biện pháp tổ chức lễ hội, điều hành nhân sự của Ban quản lý di tích thời gian qua đã thể hiện những bước đi đúng hướng trong việc đoàn kết cộng đồng, đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong các lĩnh vực vật chất, tinh thần và tâm linh của người dân địa phương. Đó là biện pháp luân phiên về nhân sự các vai diễn, nhiệm vụ được phân công đảm trách của từng thôn xóm và trách nhiệm của các cấp quản lý, vừa cụ thể, vừa minh bạch.

- Bước đầu, chính quyền các cấp xã đã kết hợp chặt chẽ với cộng đồng theo phương châm xã hội hóa trong quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di tích, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích tuỳ theo tính cấp thiết của từng di tích, với các mức độ khác nhau, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng trong không gian có di sản văn hóa lễ hội Thánh Dóng. Theo thống kê, có 100% số ý kiến của cộng đồng nhất trí với bước đi ban đầu của chính quyền địa phương trong quá trình khôi phục, bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội hiện nay.

- Riêng lễ hội thuộc Phù Đổng, từ 1998 đến nay, cộng đồng đã thảo luận và thống nhất bằng văn bản toàn bộ diễn trình Hội trận, có giá trị ứng dụng cho việc triển khai thuận lợi các công đoạn thực hành lễ hội theo mô thức truyền thống của cộng đồng.

I.2. Một số nguy cơ đặt ra từ thực tế đối với di sản:

- Qua điều tra, 90% số người đại diện cho cộng đồng thôn, xóm tham gia thảo luận không nắm được một cách có hệ thống diễn trình của lễ hội và ý nghĩa các lớp lang của vai diễn. Người dân tại các xóm trên địa bàn diễn ra lễ hội chưa được cung cấp nội dung của cuốn sổ lễ hội chính thức, tài liệu tương đối đầy đủ về hành trạng lễ hội do những người am hiểu lễ hội truyền thống đã thảo luận, ghi chép và lưu tại Ban quản lý di tích.

- 80% người thảo luận nêu ra vai trò yếu kém của chính quyền các cấp trong việc tổ chức đầu tư trí tuệ, công sức cho việc sưu tầm, ghi chép, xuất bản và phát hành đến các thành viên trong cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến văn hóa địa phương nói chung và lễ hội Thánh Dóng nói riêng.

- 70% người thảo luận cho rằng, chính quyền các cấp còn chưa năng động và sáng tạo trong việc mở rộng quan hệ, vận động sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ, các thành phần xã hội khác nhau đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Hội Dóng. Chính vì thế, sự hạn chế trong tiềm lực của công cuộc xã hội hóa phục vụ nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa đã chưa đủ lực tạo ra sức hút của di sản và quá trình trao truyền di sản giữa các thế hệ. Riêng tại khu vực lễ hội ở đền Sóc, Trung tâm quản lý di tích văn hóa chưa năng động trong việc mở rộng địa bàn quản lý các di sản văn hóa gắn với Tháng Gióng trên phạm vi toàn huyện, mới chỉ tập trung vào đền Sóc. Một số hoạt động của Trung tâm này còn mang tính áp đặt chủ quan.

- 65 % người thảo luận cho rằng, các năm tổ chức hội lệ như hiện nay đã và đang có nguy cơ làm giảm sự hứng thú tham dự sinh hoạt văn hóa lễ hội của cộng đồng. Việc đặt ra quy ước 5 năm tổ chức hội chính một lần dễ có nguy cơ làm phai nhạt sức hấp dẫn của di sản, thế hệ trẻ không có điều kiện chứng kiến các sự kiện của vai diễn, dẫn đến những khó khăn tất yếu cho các khâu luyện tập, lắp ráp khi hành hội và sự am hiểu, nhận thức cũng như hứng thú của người dân trong cộng đồng. Cạnh đó, 90% nhân sự tham gia trình diễn trong lễ hội lại là thế hệ trẻ thanh thiếu nhi, những đối tượng còn đang bận công việc học hành và đang có xu hướng quan tâm đến những hiện tượng văn hóa hiện đại, tân tiến. Cho nên cần có khoảng thời gian thích hợp, thường niên để giúp cho các đối tượng này được tận mắt ôn luyện và nhận thức hành trạng diễn ra trong lễ hội, nhận biết công việc để thuận lợi hơn khi được điều động, giao nhiệm vụ.

- 80% người thảo luận cho rằng, trong quá trình tổ chức mọi công đoạn của lễ hội, từ chọn nhân sự đến luyện tập, điều hành, không nên khoán trắng cho các thành viên trong ban Khánh tiết của xã. Cần thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội tại từng thôn, xóm trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các dòng họ và các hội đoàn khác nhau tại từng địa phương.

- Cần thể hiện rõ quan điểm tôn trọng sản phẩm văn hóa của cộng đồng và vai trò chủ thể của cộng đồng trong sinh hoạt lễ hội nói chung. Tăng cường các điều kiện thuận lợi để cộng đồng đứng ra làm chủ sản phẩm sáng tạo văn hóa trong lễ hội của mình, giảm sự can thiệp máy móc, hành chính quan liêu giấy tờ của chính quyền đối với việc tổ chức, điều hành lễ hội của cộng đồng dân chúng.

- Do số lượng các loại vai trình diễn quá đông, để phục vụ lễ hội một cách toàn diện và đầy đủ các chương mục, Ban tổ chức và điều hành, bên cạnh việc tìm nhân sự, lựa chọn nhân sự, tổ chức luyện tập công phu, còn phải đầu tư kinh phí quá nhiều cho việc chuẩn bị trang phục, đạo cụ và các vật dụng khác theo yêu cầu của các vai diễn. Do vậy, mức độ hỗ trợ kinh phí như hiện tại của chính quyền là chưa đáp ứng với nhu cầu diễn ra trong thực tế. Trong hoàn cảnh hiện tại, Nhà nước chưa thực sự đóng vai trò chủ đạo đối với việc đầu tư cho lĩnh vực này.

- Lễ hội Thánh Gióng hiện nay đã và đang vươn tới mức độ và cấp độ của một lễ hội tầm cỡ quốc gia, tại 2 trung tâm là nơi sinh (Phù Đổng) và nơi hóa (Vệ Linh). Tuy nhiên, sự quan tâm của Nhà nước đối với việc trao truyền giá trị di sản giữa các thế hệ, với việc tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích vẫn chưa được thể hiện một cách có hệ thống và đồng bộ, thường xuyên trong thực tế, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là điều mà người dân trực tiếp tham gia bảo tồn và duy trì lễ hội Thánh Dóng đặt ra và đang mong đợi sự chia xẻ.

- !00% ý kiến thảo luận đề xuất việc cần khẩn trư­ơng đ­ưa Luật Di sản Văn hóa vào thực tiễn để tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, đáp ứng nguyện vọng bảo vệ diện tích và cảnh quan không gian văn hóa di tích, bảo vệ di sản văn hóa vật thể của từng di tích.

- Theo ý kiến của đại diện các ban quản lý di tích làng/thôn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng di tích xuống cấp, môi tr­ường sinh thái và nhân văn bị tác động xấu là do Nhà n­ước cùng chính quyền các cấp ch­ưa có chế độ vật chất thích hợp đối với những ng­ười trông nom, bảo vệ di tích (các thủ nhang, chủ tế, các thành viên trong ban quản lý di tích,…). Các cấp quản lý văn hóa còn nặng về chỉ thị văn bản hành chính, ch­ưa thực sự chủ động, năng động sâu sát với cơ sở, có kế hoạch hành động tr­ước mắt và lâu dài đối với việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa của di sản ở các địa ph­ương. Cần coi trọng việc phục hồi hoặc bổ sung các bản hương ước của địa phương cấp thôn để phục vụ cho mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa.

- Trong thực tế, sự gắn kết giữa nhà tr­ường các cấp tại địa ph­ương với việc bảo về, quảng bá giá trị di sản văn hóa của các làng/thôn ch­ưa chặt chẽ, sâu rộng, cả trong chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục còn nhiều hạn chế, chư­a tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng.

Đánh giá chung:

-  Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Lễ hội Thánh Dóng ở 2 khu vực Phù Đổng và Vệ Linh -  Sóc Sơn rất đa dạng, phong phú và chứa đựng những giá trị đặc sắc.

-  Từ năm cuối thế kỷ XX đến nay, cộng đồng dân chúng và chính quyền quản lý các cấp đã và đang đóng góp nhiều công sức và trí tuệ vào hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản phục vụ công cuộc xây dựng đời sống kinh tế – văn hóa địa ph­ương.

-  Đại diện cho cộng đồng đã chỉ ra những hạn chế cụ thể cần khắc phục và thể hiện trong kế hoạch hành động tr­ước mắt và lâu dài trong việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản. Công việc mang tính cấp thiết là khẩn trương sưu tầm, thống kê các nguồn tư liệu trong cộng đồng (văn học dân gian, văn bia, sách cổ Hán – Nôm) và đầu tư cho việc biên soạn, xuất bản phổ biến cho cộng đồng.

-  Cộng đồng làng xã thuộc phạm vi có di sản đã nhất trí đồng thuận với Quyết định của Nhà n­ước, Chính phủ và các cấp liên quan trong việc xây dựng Hồ sơ di sản Lễ hội Thánh Gióng trình UNETSCO xét duyệt và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sắp tới./.

Biện pháp bảo tồn: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Các biện pháp bảo vệ

- Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, cập nhật hàng năm. Tiếp tục kiểm kê khoa học về Thánh Gióng ở các làng thuộc các vùng còn lại ở Hà Nội và vùng phụ cận.

   - Lập danh sách những người thực hành lễ hội, từ các ông hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu tiểu cổ, các nữ tướng đến các nghệ nhân phường Ải Lao ở hai huyện Sóc Sơn, Gia Lâm và quận Long Biên; Xây dựng chính sách ưu đãi với người thực hành lễ hội Thánh Gióng.

- Sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến Thánh Gióng ở các làng để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu  đã có từ trước đến nay về Hội Gióng.

- Nhà nước hỗ trợ tạo mọi điều kiện cho Ban Quản lý Bảo vệ Di tích Lịch sử đền Phù Đổng,Trung tâm Du lịch Di tích đền Sóc và cộng đồng ở hai huyện Sóc Sơn và Gia Lâm,quận Long Biên tổ chức Hội Gióng vào tháng giêng và tháng tư âm lịch hàng năm. Ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội

- Hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ Hội Gióng ở các làng Phù Lỗ, Thanh Nhàn (huyện Sóc Sơn), Xuân Tảo (huyện Từ Liêm), Bộ Đầu (huyện Thường Tín) v.v…

- Bảo tồn tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng và đền Sóc, giếng Mẫu (đền Hạ), miếu Ban làng Đổng Viên, xã Đặng Xá và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng thuộc thành phố Hà Nội.

- Thành lập Câu lạc bộ các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở các Ban khánh tiết ở các làng hiện nay, xây dựng chương trình hoạt động cho Câu lạc bộ để tổ chức của cộng đồng  này đóng vai trò tích cực trong việc tập luyện các nghi thức của Hội Gióng cho những người được lựa chọn vào các vai ông Hiệu, nữ tướng v.v… Đổi mới hoạt động của Trung tâm Du lịch Di tích đền Sóc của huyện Sóc Sơn; Củng cố, nâng cấp Ban Quản lý Bảo vệ Di tích Lịch sử Văn hóa đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

-  Hỗ trợ cộng đồng tổ chức tự quản lý, thực hiện các chương trình tập luyện thực hành các nghi lễ, trò diễn của Hội Gióng ở xã Phù Đổng, như vót hoa tre, đan voi v.v… ở các làng của huyện Sóc Sơn.Cộng đồng tự tổ chức quản lý, duy trì các lớp dạy múa hát Ải Lao của phường Ải Lao ở làng Hội Xá,quận Long Biên.

- Bằng công nghệ tin học xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về Hội Gióng ở các làng liên quan phục vụ công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

- Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vụ Phổ thông; Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về truyền thuyết Thánh Gióng gắn kết với Hội Gióng của chương trình môn Ngữ văn các cấp II và đại học; Xây dựng chuyên đề Hội Gióng để đưa vào giảng dạy ở nhà trường cấp II, III, nhất là các trường trên địa bàn các huyện liên quan đến Hội Gióng.

- Mở chuyên mục định kỳ trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội từ tháng giêng đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm để quảng bá Hội Gióng. Sử dụng đội truyền thanh cơ sở để giới thiệu giá trị của Hội Gióng trong cộng đồng làng xã các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và quận Long Biên.

- Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang Web riêng về Hội Gióng trong khuôn khổ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và phát triển du lịch.

- Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa về Hội Gióng dưới mọi hình thức: đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp v.v...

- Tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham quan học hỏi các lễ hội tương tự Hội Gióng của các cộng đồng khác ở trong nước và ngoài nước.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội Gióng phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Ảnh: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

 

 

 

Phim: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Ghi âm: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc