kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội

2. Không gian địa lý: Lễ hội đền Thượng được tổ chức tại Đền Thượng thuộc thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Thuộc địa bàn phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đền nằm trên đỉnh đồi 115 (tên cổ gọi là Hoả Hiệu) thuộc dãy núi Mai Lĩnh.

3. Thời gian tổ chức: Lễ hội ở đền Thượng mang đặc trưng tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức Thánh Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Những ngày lễ diễn ra trong một năm vào thời kỳ trước đều theo những lễ tiết rất quan trọng như: lễ Kỳ Yên vào ngày 15 tháng Giêng, lễ Khai hạ vào ngày 4 tháng Tư, lễ Sắp ấn vào ngày 25 tháng chạp… bên cạnh đó còn có các ngày lễ 10 tháng 2 của Nhị vị cô nương, ngày 10 tháng 3 của Mẫu Liễu Hạnh, ngày 5 tháng 5 của Phạm Ngũ Lão, 20 tháng 8 là ngày lễ chính thức của Đức Thánh Trần.

4. Chủ nhân di sản: Không gian lễ hội đền Thượng gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Lào Cai nói riêng và của người Việt ở vùng Bắc Bộ nói chung. Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức mạnh ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều tầng lớp cư dân của người Việt ở Lào Cai và thu hút nhiều con nhang đệ tử khắp nơi về dự hội.

5. Nhận diện di sản:

Đền Thượng là nơi thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - vị tướng, người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn, lãnh đạo toàn dân và quân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên xâm lược thế kỷ XIII. Để tưởng nhớ công ơn Ngài, hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng nhân dân địa phương tổ chức mở hội với nhiều nghi thức tế lễ truyền thống thu hút rất nhiều khách hành hương về tham dự để được hoà mình vào bầu không khí sôi động của Lễ hội đền Thượng.

Các di tích như Đền Thượng thờ Đức Thánh Trần, chùa Lê thờ vua Lê Lợi là những di tích mang dấu ấn nhà Trần, nhà Lê lên vùng biên ải cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Đền Thượng là nơi phụng thờ Đức Thánh Trần và phối thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cùng các vị thần hoàng địa phương như cô Chín, cô Đôi Cam Đường, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy v.v… Sự sắp xếp bài trí tượng thờ đều được đặt theo nguyên tắc và đầy đủ khá điển hình hoàn chỉnh của một ngôi đền thờ Mẫu và Đức Thánh Trần mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa của người Việt.

Lễ hội đền Thượng diễn ra vào rằm tháng Giêng với nhiều nghi lễ được cử hành trang nghiêm trong các đền chùa trên đồi Hoả Hiệu bao gồm có khai hội, rước kiệu vong linh, đọc văn tế, dâng hương. Nghi thức tế lễ dâng hương thường được tổ chức long trọng tại đền Thượng, nhân dân tham dự gồm đồng bào các dân tộc ở Lào Cai và khách hành hương trong đó có cả bà con xóm giềng bên kia biên giới Trung Hoa.

Phần hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, vui nhộn như: múa rồng, lân, kéo co, ném còn, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà, đu, cờ người…Lễ hội Đền Thượng đặc biệt hơn so với các lễ hội khác trong vùng bởi đây là ngôi đền mang đậm tín ngưỡng dấu ấn thờ Mẫu - tín ngưỡng có nhiều người tin tưởng tham gia thực hành nghi lễ hầu đồng. Đó là lý do đây là ngôi đền có lượng lớn khách hành hương thập phương về lễ bái và tổ chức hầu đồng. Hơn thế nữa, sự linh thiêng ẩn trong lễ hội đền Thượng còn có sức hút mạnh mẽ đối với người dân Trung Quốc phía bên kia biên giới Hà Khẩu. Lễ hội Ðền Thượng là nét đẹp văn hóa của các dân tộc Lào Cai đã và đang được bảo lưu và phát triển. Khách đến không những được tỏ lòng thành kính với người anh hùng dân tộc, thăm quan vãn cảnh đền, cầu chúc cho năm mới may mắn tốt lành, mà còn được thưởng thức không khí vui tươi, nhộn nhịp của các hoạt động lễ hội. Sự hành hương của người dân nước bạn tới tham dự một lễ hội thể hiện mối quan hệ ngoại giao hữu hảo giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam nói riêng và hai nước Việt - Trung nói chung.

Báo cáo kiểm kê về di sản: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Biện pháp bảo tồn: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Ảnh: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

 

 

Phim: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Ghi âm: Lễ hội đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)