kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

Múa Mỡi Mường Yên Bái

1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội

2. Không gian địa lý: Địa bàn sinh sống của cư dân Mường thuộc bản Noong Luông, Xã Sơn A, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò.

3. Thời gian tổ chức: Lễ hội diễn ra vào mùa xuân hàng năm.

4. Chủ nhân di sản: Múa Mỡi là múa tín ngưỡng của cộng đồng người Mường ở Yên Bái.

5. Nhận diện di sản:

Cứ mỗi dịp xuân về, người Mường ở Noong Luông lại tổ chức múa Mỡi ở nhà thầy mo uy tín trong bản. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mường thể hiện ước mơ và khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa. Lễ hội múa Mỡi thường được tổ chức vào mùa xuân đầu năm để con cháu có cơ hội dâng thỉnh các vị thần linh, tổ tiên đã che chở, phù hộ cho một năm mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà, bình an, no đủ.

Người đứng ra tổ chức Múa Mỡi là thầy Mo có uy tín trong bản. Nghi lễ đầu tiên đó là dựng cây nêu trước cổng nhà thầy Mo, tín hiệu thông báo lễ hội chuẩn bị được diễn ra.

Công việc đầu tiên của các gia đình trong bản là đi rừng tìm kiếm nguyên liệu về để dựng cây bông (tiếng Mường gọi là Cần Boồng). Cây bông được coi là linh hồn của lễ hội, mọi diễn trình lễ hội đều diễn ra quanh không gian dựng cây bông, nó được coi là cây nghi lễ, nơi trú ngụ của các đấng thần linh khi được mời xuống dự hội vui chơi cùng dân làng.

Lễ vật dâng cúng thần linh được bà con chuẩn bị, chế biến từ các sản vật địa phương gồm có: Mâm lễ cúng (“Pán Cạo”) gồm có các  lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pèng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu.

Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực giữa nhà. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường chúng con tổ chức lễ hội múa Mơĩ, mời thần linh xuống dự, chúng con muống gửi gắm lời cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho chúng con…”. Điệu múa nghi lễ này của thầy mo mang ý nghĩa là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.

Sau khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên) mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mỡi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mỡi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa. Đạo cụ dùng trong điệu múa là những thanh nứa dài, gõ lên một tấm gỗ theo nhịp 3 - 4 kết hợp với âm thanh của trống và chiêng. Mọi người cùng say sưa múa, điệu múa cứ lặp đi lặp lại, từ vị trí ban đầu di chuyển theo vòng tròn rồi lại xoay lại quanh cây Cần Bông.

Tiếp theo là điệu múa “Mùa Cuổi” (múa Cuội) hay Thần tiên xuống chơi. Điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu nên đã nhập đồng xuống trần gian cùng vui chơi. Tất cả mọi người cùng nhau vui chơi, cùng tham gia vào màn múa. Trong điệu múa này, có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy Mo, các cô gái rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của Thầy Mo một trong số các cô gái xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.

Sau một hồi múa vui, thầy Mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Kết thúc điệu múa này thì Cuội nhập vào thầy, lúc này thầy Mo đứng bật dậy múa các động tác lạ khác hẳn với các động tác đã múa trước, có sự trêu ghẹo các cô gái xinh của bản và bị các cô gái đuổi về trời. Kết thúc, tất cả mọi người cùng ngồi quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản Mường.

Múa Mỡi là điệu múa truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Mường vừa mang tính linh thiêng, vừa mang tính vui nhộn, hài hước.

Đặc trưng của điệu múa Mỡi của người Mường chủ yếu mô phỏng lại các hoạt động trong lao động sản xuất, trồng cấy lúa nước từ khâu cày bừa, làm đất, gieo mạ, gặt lúa với mong muốn cầu cho một năm thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy kho.  Đây lễ hội tích hợp nhiều ý nghĩa, Mỡi mường vừa là múa cầu mùa, tưởng nhớ tổ tiên và cầu duyên. Điều đó thể hiện mưu cầu to lớn, đa dạng của cộng đồng người Mường ở Yên Bái. Điệu múa đem lại niềm vui, giải toả cho những lo toan vất vả hàng ngày và cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho trai gái gặp được nhau nên duyên hạnh phúc. Tất cả đều là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống vì sự sinh sôi nảy nở rất chính đáng, thuận theo lẽ tự nhiên. Những khát vọng mãnh liệt về sự sống tốt đẹp ấy của cả bản làng cháy bùng lên trong điệu Mỡi Mường. Có thể nói, Múa Mỡi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm tràn đầy trong lễ hội.

 

Báo cáo kiểm kê về di sản: Múa Mỡi Mường Yên Bái

Biện pháp bảo tồn: Múa Mỡi Mường Yên Bái

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Múa Mỡi Mường Yên Bái

Ảnh: Múa Mỡi Mường Yên Bái

Phim: Múa Mỡi Mường Yên Bái

Ghi âm: Múa Mỡi Mường Yên Bái