kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

Nhã nhạc cung đình Huế

Không gian địa lý: Nhã nhạc đã được biểu diễn thường xuyên phục vụ công chúng tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế), Nhà hát Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức), hoặc tại Thế Miếu trong lễ cúng kỵ hàng năm của các vua triều Nguyễn.

Thời gian tổ chức: Trước đây, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế mang ý nghĩa là "âm nhạc tao nhã", được trình diễn tại các lễ thường niên trong cung đình, bao gồm các lễ như: lễ Đăng quang, lễ Thiết triều, lễ Hưng quốc khánh niệm, lễ Vạn thọ, lễ tế các miếu… hay những dịp đón tiếp chính thức.

Ngày nay, Nhã nhạc không chỉ hiện diện phong phú trong các lễ tế, lễ hội dân gian (như trong nghi lễ đưa tiễn người thân về thế giới bên kia, lễ vạn thọ, tế miếu, khánh tiết...) mà còn lan toả trong các kỳ festival và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Nhã nhạc đang được tổ chức truyền dạy ở nhiều cấp độ và dưới nhiều hình thức khác nhau. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức thực hiện, tuyển chọn và đào tạo được 20 học viên lứa tuổi từ 15 đến 25. Chương trình đào tạo với giáo án được chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với trình độ của các học viên trẻ do các giảng viên của Đại học Nghệ thuật Huế và Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cùng với sự hướng dẫn truyền đạt ngón nghề trực tiếp của một số nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết thuộc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế.

Nhận diện di sản: Trước đây, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế mang ý nghĩa là "âm nhạc tao nhã", được trình diễn tại các lễ thường niên trong cung đình, bao gồm các lễ như: lễ Đăng quang, lễ Thiết triều, lễ Hưng quốc khánh niệm, lễ Vạn thọ, lễ tế các miếu… hay những dịp đón tiếp chính thức, là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại phong kiến nhà Nguyễn; là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương và là phương tiện truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam. Từ sau năm 1945, phần chức năng xã hội nguyên thủy gắn với các triều đại phong kiến Nhà Nguyễn của Nhã nhạc đã thay đổi hoặc mất đi cùng với sự sụp đổ của nền quân chủ này.

Ngày nay, Nhã nhạc vẫn được coi là bản sắc văn hóa và là niềm tự hào của cộng đồng địa phương. Phần lớn các hình thức biểu đạt của Nhã nhạc còn phù hợp với cuộc sống đương đại vẫn còn là nhu cầu và không chỉ hiện diện phong phú trong các lễ tế, lễ hội dân gian (như trong nghi lễ đưa tiễn người thân về thế giới bên kia, lễ vạn thọ, tế miếu, khánh tiết...) mà còn lan toả trong các kỳ festival và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.

Báo cáo kiểm kê về di sản: Nhã nhạc cung đình Huế

Biện pháp bảo tồn: Nhã nhạc cung đình Huế

Công tác bảo tồn

Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Hiện nay Nhã nhạc không còn giữ được diện mạo như xưa, nhưng nó vẫn có thể là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng ngày nay, các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi ... thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và bức xúc về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Trong Quyết định 105/TTg ngày 12-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010, thì một trong những mục tiêu bảo tồn được xác định là: bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, trong đó được khẳng định là nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình. Từ năm 1992, nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời, chuẩn bị các cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn âm nhạc cung đình Huế. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai tu bổ các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu. Bên cạnh đó đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình.

Tháng 3/1994 UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tiếp theo là các dự án đào tạo được Bộ Văn hóa Thông tin, các Quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản ... tài trợ cho các lớp nhạc công, diễn viên ca múa cung đình.

Tháng 9/1996, Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và tổ chức khai giảng tại trường ĐH Nghệ thuật Huế, với 15 sinh viên theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Sau đó, năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo của nhiều nước như Nhật Bản, Phi-lip-pin, Việt Nam.

Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm BTDTCĐ Huế, đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Bên cạnh đó, nhà hát Truyền thống cung đình Huế đã được thành lập (trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) bước đầu đã bảo tồn được một số bản nhạc như: 10 bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc...; các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân Cửu chuyển, Thái bình Cổ nhạc, Đăng đàn cung, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Mang, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép) cùng một số bài bản khác. Sự góp sức của đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (thuộc Sở Văn hóa Thông tin và Câu lạc bộ Phú Xuân cũng góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Cùng với việc phục hồi các tác phẩm kể trên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ở các nước Châu Á, Châu Âu như: Hàn Quốc, Lào, Pháp, Bỉ, Áo, Lucxămbua, đã tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2000, 2002. Đặc biệt từ ngày 01/02 đến 14/02/2004, Nhà hát đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố Montreuil, Arras, Areueil, Lyon, Marseille, thủ đô Paris (thuộc Cộng hòa Pháp) và thủ đô Bruxelles (thuộc Vương quốc Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Nhã nhạc cung đình Huế

Ảnh: Nhã nhạc cung đình Huế

Phim: Nhã nhạc cung đình Huế

Ghi âm: Nhã nhạc cung đình Huế