kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

1.     Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội

2.     Không gian địa lý: Xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

3.     Thời gian tổ chức: Khi trong gia đình dòng họ có người qua đời.

4.     Cộng đồng chủ nhân di sản Cộng đồng người Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

5.     Nhận diện di sản:

Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là "tùa" hay "ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.

Đối với những đứa trẻ chết dưới ba tháng tuổi thì gia đình không tổ chức lễ tang và khi đưa đi chôn cũng phải đưa qua vách nhà, không được đưa qua cửa nhà. Bố mẹ có thương con đến mấy cũng không được khóc sợ ma nhà, ma cửa biết sẽ quở trách gia đình. 

Còn những trường hợp chết ngoài nhà như: do tai nạn, tự tử, ngã sông, ngã suối… thì người Mông kiêng không bao giờ mang vào trong nhà tổ chức lễ tang. Gia đình sẽ dựng một chiếc lán ở ngoài bãi làm địa điểm tổ chức lễ tang, vì người Mông quan niệm rằng, những người chết ngoài nhà, phần lớn là do các loại ma ác làm hại, nên khi mang vào nhà sợ con ma này lại theo vào nhà để làm hại những người khác trong gia đình. Những người chết trẻ, chết ngoài nhà, chết do tai nạn đều được coi là những cái chết không bình thường, bởi vậy mà lễ tang cũng được tổ chức gọn nhẹ hơn các lễ tang của người chết già.

Theo phong tục truyền thống, lễ tang của người Mông bao gồm rất nhiều nghi lễ khác nhau. Khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu sẽ mang súng kíp ra ngoài nhà bắn ba phát để báo hiệu với bà con trong bản biết là gia đình có người qua đời. Con cháu, bà con thôn, bản nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ đổ về gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì cùng giúp đỡ.

Gia đình có người chết sẽ tiến hành mời thầy mo, thầy kèn, thầy trống và những người giúp việc. Xác người chết được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, buộc người bằng sợi dây lanh, đi dầy vải cao cổ và đặt ngay ngắn trước cửa chính, đầu quay vào bàn thờ, trên bụng xác đặt cây đèn, một cái nỏ để trừ ma và tẩu hút thuốc, bên trên đầu xác đặt một chiếc ô giấy, một con gà trống đã chết, nồi cháo và một quả trứng, và thầy cúng sẽ cúng cho hồn ma.

Người Mông quan niệm khi chết phải lên trời để về mường ma, treo xác là giai đoạn thầy mo đang trên đường dẫn hồn ma lên trời. Chiếc cáng để treo xác được gọi là lin tua có nghĩa là ngựa cho người chết cưỡi và xác được treo cao ngang với bàn thờ. Trong những ngày treo xác, thầy mo, thầy kèn, thầy trống phải cúng cơm cho hồn ăn ba lần. Mỗi lần cúng cơm con cháu phải đến khóc và chăm bón cho hồn ăn. Những ngày này người ta chỉ giết lợn giết gà để làm cơm cúng ma và cho người phục vụ ăn. Những lễ tang làm to có mổ trâu thường kéo dài từ 3 - 4 ngày với rất nhiều nghi lễ khác nhau như: lễ "treo sáng đù" (giao lễ vật), "Nùng chàn gì" (lễ hỏi đáp), "Tiu rìa kềnh", "Gẩu trùng"… mọi người thổi khèn, đánh trống hát thâu đêm để tiễn biệt người chết.

Lễ chia của cho hồn tùy từng gia đình dâng cúng có thể vài ba con bò hoặc trâu. Nghi lễ này được thực hiện bằng việc nối sợi dây lanh từ mũi bò đến tận tay người chết, giết bò để làm cơm và mỗi con bò sẽ biến thành một chiếc ô che nắng cho hồn.

Khi đem xác đi chôn phải là người khác họ khiêng, thầy mo dẫn đường, một người cầm con gà trống đã chết xé làm đôi vứt sang hai bên đường, các khẩu súng bắn liên hồi trong suốt chặng đường khiêng và chôn xác.

Khi ra đến huyệt, quan tài được mở nắp, một nửa đặt trước xuống huyệt, sau đó đậy nắp và lấp đất. Hướng huyệt đặt vắt ngang núi. Phải đốt hết những gì đem đến cho hồn, việc chôn cất kết thúc, người Mông chỉ chôn một lần không cải táng.

Trong ba ngày đầu vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối, ông chủ ma phải mang cơm, lửa giao cho người chết ăn với ý nghĩa người mới chết tựa như đứa trẻ chưa biết làm ăn, nên những ngày đầu con cháu phải mang cơm giao cho người chết. Chôn được ba ngày, con cháu tập trung mang cuốc, mang xẻng đi sửa sang và rào mộ cho người chết được mồ yên mả đẹp. Người chết được 12 ngày, con cháu ra mộ đón linh hồn người chết về thăm lại nhà. Sau một hai năm, con cháu lại tổ chức lễ cúng "ùa plì" để hồn người chết ra đi được thanh thản, sau một vài năm, gia đình tiếp tục tổ chức lễ cúng "nhù đăng" (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng trong lễ tang của người Mông. Sau lễ cúng "nhù đăng", con cháu không tổ chức bất cứ lễ cúng nào khác. Chỉ đến các ngày lễ tết, con cháu tổ chức lễ cúng thì họ mới gọi linh hồn người chết về thăm lại nhà.

Đối với người Mông phong tục tập quán có giá trị về văn hoá, giáo dục đạo đức lối sống đạo lý dân tộc, họ luôn tôn trọng và có ý thức bảo lưu. Các giá trị văn hoá được thể hiện trong dân ca, dân vũ, trang phục, tập tục ma chay, cưới xin, nghi lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên, thần linh, ở các lễ, hội của thôn bản trong năm. Nằm trong chuỗi nghi lễ vòng đời, nghi lễ tang ma của người Mông là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất.

Báo cáo kiểm kê về di sản: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

Biện pháp bảo tồn: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

Ảnh: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

 

 

Phim: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa

Ghi âm: Tập tục tang ma của người Hmông - Thanh Hóa