kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.dev1.d.webcom.vn

VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

Không gian địa lý: Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh  Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ ở tỉnh Yên Bái; các huyệnMộc Châu, Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên,thành phố Lai Châu ở tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà,Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên;cáchuyện Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, thành phố Sơn La ở tỉnh Sơn La. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên),Thuận Châu (Sơn La).

Thời gian tổ chức: Xòe thường được biểu diễn trong bắt kể không gian và thời gian nào, trong các nghi lễ như Kin Pang Then, Hết Chá, Xên Lẩu Nó, tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, trong lễ hội, trong các sự kiện văn hóa của cộng đồng, trong tuần văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc.  Theo số liệu kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 về các dịp diễn ra múa Xòe, 94,9% các thành viên cộng đồng được hỏi cho biết thường xuyên múa Xòe trong các lễ cưới và lễ mừng nhà mới; 86,2% thường xuyên múa Xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức; 70,4% thường xuyên múa Xòe trong các dịp lễ hội truyền thống; các dịp lễ khác cũng thường có múa Xòe như các sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các CLB, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống, chỉ có 12,4% có thường xuyên Xòe trong các lễ cúng; 8,4% có Xòe trong các nghi lễ vòng đời người; đặc biệt hiếm có Xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/bản thuộc huyện Vân Hồ - Sơn La và 2 thôn/bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái là còn thực hành Xòe trong tang ma).

Cộng đồng chủ nhân di sản:

Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái (Thái đen và Thái trắng - phân biệt qua màu sắc trang phục) tập trung đông nhất ở các tỉnh thuộc Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên); và rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Những người thực hành Xòe Thái là cộng đồng cư dân người Thái không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị công tác, miễn là có sức khỏe và đủ điều kiện hình thể tham gia sinh hoạt Xòe.

Người tham gia thực hành Xòe Thái nói chung không phân biệt lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, chính trị, giới tính, địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Với các cuộc Xòe gắn cùng thực hành nghi lễ do Thày/Bà Then tổ chức, người tham gia chủ yếu là các con bệnh được chữa khỏi, đến để tạ ơn thần linh/Then hoặc những người đang gặp hoạn nạn, ốm đau đến dâng lễ và tham dự để cầu cúng.

Nhận diện di sản:

“Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ,trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa, v.v. Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính, đệm cho múa theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Các động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả thành viên cộng đồng.

Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát,trang phục áo cóm bó chặt người, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Tháitạo nên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc.

 

 

Báo cáo kiểm kê về di sản: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

BÁO CÁO TỔNG HỢP

KIỂM KÊ DI SẢN NGHỆ THUẬT XÒE THÁI

(TỈNH YÊN BÁI, ĐIỆN BIÊN, LAI CHÂU, SƠN LA)

--------------------------------

 

I. Thời gian thực hiện công tác kiểm kê khoa học

a. Tại tỉnh Yên Bái:

+ Giai đoạn 1: Từ 25 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 2017

+ Giai đoạn 2: Từ 15 tháng 4 đến 21 tháng 4 năm 2018.

b. Tại tỉnh Điện Biên:

+ Giai đoạn 1: Từ 20 tháng 9 đến 3 tháng 10 năm 2018

+ Giai đoạn 2: Từ 17 tháng 10 đến 30 tháng 10 năm 2018.

c. Tại tỉnh Lai Châu:

+ Giai đoạn 1: Từ 5 tháng 1 đến 10 tháng 1 năm 2018

+ Giai đoạn 2: Từ 15 tháng 3 đến 22 tháng 3 năm 2018.

d. Tại tỉnh Sơn La:

+ Giai đoạn 1: Từ 20 tháng 3 đến 23 tháng 3 năm 2018

+ Giai đoạn 2: Từ 1 tháng 4 đến 10 tháng 4 năm 2018.

II. Mục đích của đợt kiểm kê khoa học

- Khảo sát và đánh giá thực trạng của sinh hoạt múa Xòe tại các địa vực cư trú của cộng đồng người Thái trong phạm vi các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên - những địa phương được coi là một trong những địa bàn nảy sinh, lưu truyền và tồn tại hình thức sinh hoạt Xòe Thái của người Thái từ nhiều trăm năm qua.

- Bước đầu, tập hợp một cách có hệ thống những dữ liệu cụ thể do cộng đồng cung cấp, để đánh giá thực trạng hiện tồn của cơ sở vật chất cũng như sinh hoạt văn hóa, trong đó trọng tâm là sinh hoạt múa Xòe, tại địa bàn các thôn/bản/khu dân cư và các câu lạc bộ/đội văn nghệ quần chúng (do chính quyền hoặc các cơ quan quản lý văn hóa cấp xã và huyện của các tỉnh ra Quyết định thành lập); từ đó, có kế hoạch tiếp tục triển khai hoạt động sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Thái nói chung và sinh hoạt múa Xòe nói riêng (như đã tiến hành ở những cấp độ và mức độ khác nhau từ nhiều năm trước đây tại hầu khắp các địa phương).

- Thu thập cứ liệu khoa học theo tiêu chí UNESCO đặt ra để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ, trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

III. Về địa bàn kiểm kê khoa học

Việc xác định không gian văn hóa, khu vực văn hóa và địa bàn hành chính để tiến hành kiểm kê di sản nghệ thuật Xòe Thái trước hết được đặt ra, dựa trên 3 nguồn làm căn cứ sau đây:

Một là, căn cứ vào các nguồn tư liệu được khảo sát, ghi chép, giới thiệu qua các công trình sưu tầm, nghiên cứu, các tiểu luận, bài báo liên quan trực tiếp đến sinh hoạt Xòe Thái của các nhà sưu tầm, nghiên cứu ở địa phương và các viện nghiên cứu đã công bố - tiêu biểu như các nghệ nhân Lò Văn Sơi, Hoàng Ngọc Xíu, Lò Văn Biến (có phụ lục phỏng vấn kèm theo) và các nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn, Lã văn Lô, Cầm Trọng, Tô Ngọc Thanh, Đỗ Thị Tấc… Từ đó có thể góp phần nhận diện được phạm vi không gian văn hóa - môi trường xã hội nhân văn cùng địa bàn hành chính, nơi tồn tại của sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái ở các tỉnh thuộc vùng văn hóa Tây Bắc từ xưa đến nay.

Hai là, dựa vào nguồn tư liệu kiểm kê di sản nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn các huyện/thị của các tỉnh (cán bộ các phòng Nghiệp vụ, Quản lý di sản văn hóa, các Trung tâm văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ ứng cử vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (các năm 2013, 2014, 2015 và 2016).

Ba là, qua nguồn tư liệu khảo sát thực địa của các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tiến hành từ cuối năm 2017 trên địa bàn các huyện, thị thuộc các tỉnh Yên Bái, lai Châu, Sơn La và Điện Biên và tư liệu khảo sát, nghiên cứu theo phương pháp nhân học của các nhóm nghiên cứu thực hiện dự án kiểm kê này từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2018.

Việc xác định các làng/bản/thôn/khu có sinh hoạt Xòe Thái được đặt ra theo một số tiêu chí như sau:

- Một là, đây trước hết phải là nơi đã và đang hiện tồn môi trường sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái, được các làng/thôn/bản lân cận công nhận hoặc có quan hệ giao lưu trong quá trình thực hành hình thức sinh hoạt văn nghệ này.

- Hai là, tại những làng/bản/thôn/khu dân cư có thực hành sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái, phải có ít nhất từ 10 người trở lên (đủ nguồn nhân lực thực hiện một cuộc Xòe - ca múa và sử dụng nhạc cụ), am hiểu và thông thạo cách thức thực hành hình thức sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái.

- Ba là, các đội văn nghệ, đội múa Xòe trong cùng một làng/bản/khu dân cư thuộc cùng không gian cư trú một làng/bản được tính như một đơn vị sinh hoạt văn hóa độc lập nếu được thành lập từ/trên số lượng dân cư từ 500 người trở lên của địa phương, với mục đích khai thác dữ liệu định tính về đối tượng chủ thể của kiểm kê khoa học di sản.

Nhìn chung, các làng/bản/thôn/khu dân cư được kiểm kê lần này đều nằm trong khu vực có điều kiện tự nhiên tương tác chủ yếu thuộc địa bàn các huyện /thị có mật độ cư trú của người Thái tập trung, ít có sự đan xen với dân tộc khác, có lịch sử văn hóa nhiều trăm năm và có quá trình bảo tồn, phát huy sinh hoạt văn hóa truyền thống bền vững.

IV. Ph­ương pháp thực hiện

Phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin gồm phỏng vấn bảng hỏi, phỏng vấn sâu, ghi chép thông qua thảo luận nhóm, hồi cố lịch sử, thống kê và theo quan điểm tôn trọng tiếng nói của cộng đồng trong việc đồng thuận với nội dung giới thiệu về di sản văn hóa do chính cộng đồng sáng tạo và bảo tồn trong lịch sử. Kết hợp sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành (thư tịch học, văn bản học, bảo tàng học, xã hội học) trong việc phân tích, đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu để xác định đối tượng khảo sát, kiểm kê.

Hoạt động kiểm kê và lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng về nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên về cơ bản gồm hai hoạt động chính: thực hiện kiểm kê định lượng hoạt động thực hành di sản Xòe Thái hiện nay trên địa bàn 4 tỉnh (theo điều tra bảng hỏi), kết hợp phỏng vấn sâu một số thành phần dân cư mang tính đại diện cho cộng đồng sở tại và hoạt động lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng về việc lập Hồ sơ di sản nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Địa bàn khảo sát tại thời điểm thực hiện hội nghị tập huấn kiểm kê và lấy ý kiến đồng thuận (2018) được thực hiện trong phạm vi: 4 huyện thị thuộc tỉnh Yên Bái (Thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải); 5 huyện thuộc tỉnh Lai Châu (các huyện Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ và Than Uyên); 6 huyện thị thuộc tỉnh Sơn La (Thành phố Sơn La và các huyện Thuận Châu, huyện Mai Sơn, huyện Yên Châu, (ngành Thái đen); huyện Mộc Châu, huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên (ngành Thái trắng); 9 huyện thị thuộc tỉnh Điện Biên (Thành phố Điện Biên, các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng).

Quá trình tiến hành khảo sát và tổ chức xác định/lựa chọn địa bàn kiểm kê, nghiên cứu tài liệu thứ cấp, các nhóm nghiên cứu đã có sự tiếp thu và kế thừa kết quả những cứ liệu điền dã đi trước cần thiết (qua các công trình nghiên cứu của các học giả nghiên cứu về Xòe Thái, Hồ sơ Lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Xòe Thái đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thực hiện vào các năm 2013-2014 để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với hợp phần kiểm kê, trong phạm vi giới hạn về nhân lực, thời gian và ngân sách, các nhóm thực hiện kiểm kê trên địa bàn 4 tỉnh đã xây dựng 02 mẫu phiếu kiêm kê gồm Mẫu phiếu kiểm kê dành cho thôn bản TháiMẫu phiếu kiểm kê dành cho nghệ nhân/người thực hành/hiểu biết về nghệ thuật Xòe Thái (Xem Phụ lục). Thực tế hoạt động kiểm kê trực tiếp tại địa bàn các huyện thị trên cho thấy 02 mẫu phiếu trên sau khi thu về có thể hỗ trợ bổ sung dữ liệu định lượng và định tính (từ các câu hỏi mở) cho nhau. Số liệu định tính của hợp phần này được tổng hợp sử dụng tổng số phiếu Kiểm kê dành cho thôn bản Thái dừng lại ở số lượng mang tính đại diện, tập trung vào những địa bàn có mật độ người Thái cư trú đông nhất hoặc đại diện cho khu vực đô thị, khu vực vùng sâu vùng xa, do các nhóm kiểm kê linh hoạt quyết định (Xem chi tiết ở các phần Báo cáo kiểm kê của từng tỉnh). Dữ liệu từ các mẫu phiếu kiểm kê dành cho nghệ nhân Xòe Thái cung cấp thêm thông tin mang tính chuyên môn sâu hơn xuất phát từ các phản hồi của các nghệ nhân, là những người nắm giữ toàn bộ kiến thức về di sản Xòe Thái từ nhiều năm.

Đối với hợp phần Lấy ý kiến đồng thuận, các nhóm thực hiện nhiệm vụ này đã tiến hành tổ chức các buổi họp lấy ý kiến đồng thuận ở các địa bàn tổ chức kiểm kê tương ứng, với sự tham gia của đại diện thành phần các nghệ nhân, nhà quản lý văn hóa, người có liên quan của các huyện thị. Các văn bản đồng thuận của cộng đồng, ngoài viết bằng chữ Việt, còn ưu tiên các văn bản viết bằng chữ Thái (tuy số lượng người biết chữ Thái còn quá ít). Tại các hội nghị lấy ý kiến, các nhóm thực hiện kiểm kê đã mời chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể tới chia xẻ ý kiến để tăng cường hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của hoạt động lập Hồ sơ di sản trình UNESCO ghi danh và sự cần thiết phải tiếp tục giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng.

V. Một số thuận lợi

- Trong thời gian tiến hành kiểm kê của nhóm nghiên cứu, chính quyền và đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa xã, huyện và đội ngũ các trưởng thôn, chủ nhiệm câu lạc bộ, đội trưởng các đội văn nghệ cấp bản và cấp xã/phường đã thường xuyên trực tiếp và quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra của công việc kiểm kê. Đặc biệt, các chủ nhiệm câu lạc bộ, các bí thư chi bộ, cán bộ văn hóa thuộc các thôn/khu tại hầu hết các xã đã trực tiếp tham gia tổ chức nhóm thảo luận tại địa phương, tham gia chủ động giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình thảo luận nhóm đại diện cộng đồng, nhằm cung cấp thông tin cho việc điều tra - kiểm kê.

- Tất cả những người dân (đặc biệt là các bậc cao niên, các thành viên trong các câu lạc bộ Xòe và các đội văn nghệ bản) trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc cung cấp thông tin tại đa số các bản/khu dân cư đều nhiệt tình, có quan điểm đồng thuận với nhu cầu bảo tồn, khai thác và trao truyền cách thức thực hành di sản tại địa phương. Một số bậc cao niên (trong đó có người được vinh danh là nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú) đã cung cấp những tư liệu quý do cá nhân tự sưu tầm, biên soạn hoặc biên dịch, làm tài liệu tham khảo tốt cho quá trình trả lời phiếu điều tra.

- Sự chỉ đạo cụ thể, khẩn trương và cấp thiết của lãnh đạo các huyện/thị, sự tham gia chỉ đạo, hỗ trợ về văn bản, nhân lực chuyên môn của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm văn hóa tỉnh và đặc biệt là cán bộ các phòng Văn hóa Thông tin tại các huyện, thị trong suốt thời gian thực hiện điều tra, kiểm kê di sản, góp phần đảm bảo cho công tác kiểm kê thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra.

- Quá trình thực hiện công tác kiểm kê đã nhận được sự quan tâm và cộng tác nhiệt tình, vượt qua khó khăn về phương tiện đi lại và kinh phí của đại diện các thôn/bản/khu dân cư đã mang lại hiệu quả có tính quyết định cho quá trình kiểm kê di sản Nghệ thuật Xòe Thái ở các huyện, thị, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình nâng cao nhận thức di sản đối với các thành viên trong cộng đồng, trả lời đúng trọng tâm yêu cầu của phiếu kiểm kê.

VI. Một số khó khăn

- Trên bước đường phát triển của lịch sử xã hội và những biến đổi của cơ tầng địa lí tự nhiên, của nhiều giai đoạn tổ chức hành chính khác nhau, nhiều địa danh đã bị biến đổi, không ít địa danh cũ do địa bàn đã chuyển đổi thành các thị tứ, đô thị nên đã bị thay thế bằng thứ ngôn ngữ hiện đại, người am hiểu thực sự về di sản Xòe Thái không còn hoặc các thế hệ nghệ nhân thiếu sự quan tâm trao truyền di sản, thế hệ trẻ không được tiếp nhận một cách hệ thống và bền vững từ những hình thức trao truyền bằng văn bản học (dù đã xuất bản một số công trình sưu tầm, nghiên cứu về Xòe Thái của một số nghệ nhân ở Lai Châu, Sơn La), nhiều cương vực hành chính đã biến cải, thay đổi hoặc mở rộng (cả về địa vực cư trú lẫn tên gọi hành chính từ tên gọi bản thành tên gọi đánh số theo khu dân cư, nhiều tập tục sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội bị mai một so với thời kỳ cách đây vài chục năm (đặc biệt là so với năm 1945 trở về trước), bên cạnh sự lấn át của văn hóa đương đại đối với văn hóa cổ truyền. Sự tiếp nối sinh hoạt văn hóa truyền thống giữa các thế hệ bị ngắt quãng do chiến tranh và điều kiện lịch sử - xã hội.

- Trong quá trình tiến hành điều tra trực tiếp tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến nghệ thuật Xòe đã mai một hoặc biến mất. Số lượng các nghệ nhân am hiểu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống (đặc biệt là đội ngũ các thày/bà làm nghề cúng bái) còn quá ít. Thực tế đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự không hiểu biết về lịch sử và cội nguồn của di sản đối với các thế hệ trẻ hiện nay.

- Trong khoảng hơn một thập kỷ qua (từ 1996), tại hầu hết các địa bàn dân cư thuộc các thị trấn, thị xã, thành phố, nguyên các thôn hoặc làng/bản mang địa danh tiếng Thái đã được chuyển đổi/phân chia thành các khu dân cư, đánh số từ thấp đến cao (khu 1, khu 2, khu 3,…). Thực tế đã dẫn đến thực trạng xóa dần một cách tự nhiên tên gọi truyền thống của hàng loạt bản, những tự danh vốn đã đi theo cộng đồng dân cư hàng trăm năm, ăn sâu vào tiềm thức văn hóa con người, gắn với đặc điểm, ngọn nguồn xuất xứ lập bản, lập làng cùng hàng loạt các giá trị văn hóa truyền thống khác. Cạnh đó, có những bản, do diện tích cư trú rộng, dân cư đông, đã được chính quyền chia thành nhiều khu dân cư, điều đó dễ tạo ra sự rạn nứt của chỉnh thể văn hóa bản - đơn vị vốn cùng tuân thủ các quy định trong luật tục, phong tục, tập quán của bản do các thế hệ trước sáng tạo, bảo tồn và truyền lại.

- Trong quá trình vận động và phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, khá nhiều bản (chủ yếu thuộc các thị trấn, thị xã và thành phố) đã và đang bị tác động bởi sự chuyển đổi môi trường sinh thái và môi trường sinh kế cùng sự tác động của các phương tiên thông tin hiện đại, dẫn đến sự biến đổi môi trường sinh hoạt văn hóa và dấu ấn đặc trưng của văn hóa tộc người; thế hệ trẻ say mê văn nghệ hiện đại hơn là thực hành các hình thức văn nghệ truyền thống của ông cha. Và do vậy, thực trạng đó cũng tác động khá sâu sắc đến không gian văn hóa sinh tồn của di sản.

- Tại hầu khắp các địa bàn được kiểm kê, số lượng người dân biết đọc, biết viết chữ Thái còn quá ít. Nhiều phụ nữ thuộc lứa tuổi từ trung niên trở lên không biết viết, đọc được chữ phổ thông (Kinh), dẫn đến việc đọc và điền phiếu điều tra xã hội học gặp hạn chế.

- Tại một số địa bàn cấp xã được kiểm kê, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và cán bộ lãnh đạo hầu hết đều trẻ tuổi, năng lực hiểu biết về văn hóa truyền thống tộc người còn hạn chế hoặc yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu về quản lý văn hóa và hợp tác cùng với cộng đồng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản của địa phương. Khá nhiều cán bộ là người dân tộc Kinh (xuất phát từ nguồn lực khai hoang của các tỉnh Thái Bình, Nam Định những năm 60-70 thế kỷ trước), không thông thạo tiếng Thái, chữ Thái nên dẫn đến không hiểu biết về giá trị di sản văn hóa dân tộc Thái một cách sâu rộng, điều đó dẫn đến những hạn chế nhất định trong công tác quản lý, xây dựng đời sống văn hóa tộc người tại địa phương.

- Do thời gian thực hiện việc kiểm kê - điều tra eo hẹp, nguồn kinh phí có hạn, lại phải thực hiện trên địa bàn quá rộng, phức tạp về mặt địa hình và số cán bộ chuyên môn thực hiện có hạn nên việc tập hợp và khai thác tư liệu (phỏng vấn, tọa đàm, sưu tập tư liệu văn bản chữ Thái cổ,…) cùng cộng đồng còn hạn chế. Điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả kiểm kê, nghiên cứu, đặc biệt là việc thẩm định những biểu hiện của đặc trưng di sản và hệ thống ngôn ngữ cổ hoặc phương ngữ, gắn với sinh hoạt Xòe Thái nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng/bản của dân tộc Thái nói chung.

VII. Tổng quan về người Thái ở Việt Nam

1. Nguồn cội người Thái ở Việt Nam

Cho đến nay, Quắm tố mường (Chuyện kể bản Mường) và Táy Pú sấc (Bước đường chinh chiến của cha ông) là hai cuốn sử thành văn chép tay có lẽ vào loại xưa nhất của người Thái hiện còn, viết bằng chữ Thái cổ (nhà Thái học Nguyễn Văn Hòa sưu tầm và tổ chức biên dịch từ bản chép tay trên giấy dó, đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La), đồng thời cũng được coi là hai cuốn biên niên sử của người Thái đen, trong đó ghi lại cuộc thiên di vĩ đại mở đất lập mường của các thế hệ người Thái đầu tiên tràn từ phía bắc xuống đất Mường Lò, rồi từ đó tỏa tới nhiều vùng thuộc Tây Bắc Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Qua bản trường ca/sử thi này, chúng ta có thể nhận biết vào khoảng đầu thế kỷ XI, nhóm người Thái Đen từ miền giữa sông Nậm U và sông Hồng do anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần dẫn đầu đến Việt Nam, “... bộ phận người Thái Đen từ Mường Ôm, Mường Ai, phía thượng nguồn sông Mê Kông đầu tiên di cư xuống phía nam, khai phá cánh đồng Mường Lò (Trung tâm là thị xã Nghĩa Lộ hiện nay). Hai đời sau, Lạng Chương dẫn dắt bộ tộc mình chiếm các vùng Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Cuộc thiên di này kéo dài hàng trăm năm vì vấp phải sức kháng cự của những bộ tộc địa phương, nhất là bộ tộc Xá Khao” (Đặng Nghiêm Vạn, 1977, tr. 49-154).

Theo các nhà dân tộc học Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn: “Sau khi chiếm cứ Tây Bắc, một bộ phận Thái Đen tràn xuống lưu vực sông Mã, qua Lào vào Thanh - Nghệ…” (Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn, 1968, tr. 153). Không phải ngẫu nhiên mà, người Thái đen Việt Nam và ở một số nước (Lào, Thái Lan,…) hàng trăm năm qua đã/luôn coi Mường Lò (thuộc vùng đất Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ hiện nay) là đất tổ của mình, họ gọi Mường Lò là “Đin pẩu pú” hay “Bản pẩu mương pú”, nghĩa là đất tổ tiên của người Thái đen, coi Tạo Xuông, Tạo Ngần là thủy tổ của mình; thậm chí, Hội người Thái đen ở Thái Lan còn trang trọng cho in nguồn cội tổ tiên của mình từ đất Mường Lò Việt Nam lên lịch treo trong nhà, để nhắc nhở cháu con luôn nhớ về vùng đất của tổ tiên mình, đồng thời thường niên tổ chức những chuyến hành hương cho con cháu về Mường Lò (Nghĩa Lộ - Văn Chấn), tỉnh Yên Bái thăm lại quê cha đất tổ.

Những chục năm gần đây, thành tựu nghiên cứu của các nhà Thái học đã có chung những nhận diện lịch sử về quá trình hình thành dân tộc Thái ở Việt Nam, cũng như cội nguồn văn hóa, lịch sử của tộc người Thái nói chung. Đồng thời đã khẳng định người Thái ở Tây Bắc Việt Nam là kết quả của cuộc thiên di mạnh mẽ vào Tây Bắc khoảng đầu thiên kỷ thứ II sau Công nguyên - Cuộc thiên di như Đặng Nghiêm Vạn đã nhận định: Nó “nằm trong cuộc thiên di lớn của tổ tiên người Thái vào Đông Dương, là một diễn biến lịch sử lớn lao, làm đảo lộn toàn bộ tình hình phân bố dân cư miền Tây Bắc Việt Nam cũng như trên bán đảo Đông Dương…” (Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 403). Người Thái ở Yên Bái có khoảng 53.104 người (theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009), thuộc hai nhóm ngành là Thái trắng và Thái đen. Riêng Mường Lò (bao gồm phạm vi huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) tập trung khoảng 90% tổng số người Thái ở Yên Bái, một số ít còn lại ở huyện Trạm Tấu và huyện Mù Căng Chải.

Người Thái ở Lai Châu có khoảng 131.822 người chủ yếu là Thái trắng, chiếm 34% dân số toàn tỉnh (403.200 người với 20 dân tộc - theo con số thống kê tháng 11 năm 2011), cư trú tại hầu khắp các huyện thị, tập trung mật độ đông nhất ở các huyện Phong Thổ, Than Uyên.

Người Thái ở Sơn La có khoảng 572.441 người - chủ yếu là Thái đen, chiếm 53,2% dân số toàn tỉnh (khoảng 1.080.641 người, với 12 dân tộc anh em - theo con số điều tra tháng 4 - 2009), cư trú ở hầu khắp 11 huyện thị, tập trung ở các huyện Mai Châu, Quỳnh Nhai.

Người Thái ở Điện Biên có khoảng 186.270 người, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh (khoảng 557.400 người với 19 dân tộc anh em - theo số liệu điều tra năm 2016), cư trú ở hầu khắp các huyện thị, tập trung ở các huyện Mường Lay và thành phố Điện Biên.

Người Thái (Thái đen và Thái trắng) mang nhiều họ khác nhau: Bạc, Bế, Bua, Bum, Cà (Hà, Kha, Mài, Sa), Cầm, Chẩu, Chiêu, Đèo, Điều, Điêu, Hà, Hoàng, Khằm, Leo, Lèo, Lềm, (Lâm, Lịm) Lý, Lò, (Lô, La), Lộc (Lục), Lự, Lường, (Lương), Manh, Mè, Nam, Nông, Ngần, Ngưu, Nho, Nhật, Panh, Pha, Phia, phìa, Quàng (Hoàng, Vàng), Quảng, Sầm, Tạ, Tày, Tao (Đào), Tạo, Tòng (Toòng), Vang, Vi (Vì) Xa (Sa), Xin.

2. Không gian cư trú

Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học về sự thiên di của các ngành Thái ở Tây Bắc Việt Nam, về người Thái ở Tây Bắc Việt Nam..., đặc biệt qua hai cuốn sử thi của người Thái Đen: “Quắm tố mương” và “Táy pú xấc”, vào khoảng thế kỷ XI-XII ngành Thái Đen do Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn đường di cư từ Mường Ôm, Mường Ai (thượng nguồn sông Mê Công thuộc Châu Xishuanbanna hiện nay) đến Mường Lò cư trú. Đoàn người đặt chân đầu tiên tới Mường Min (nay là vùng xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) rồi vào vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn. Thuở ấy, Mường Lò còn là vùng đất mênh mông, hoang vắng. Tổ tiên người Thái đã dừng lại đây sinh sống và cùng nhau khai phá thành ruộng đồng.

 Tư liệu thành văn cùng truyền ngôn dân gian thống nhất nhận định rằng, khi người Thái xuất hiện ở Mường Lò, vùng lòng chảo này đã được chia làm ba vùng: Mường Lò Luông (tức Mường Lò lớn là vùng trung tâm); Mường Lò Gia gọi tắt là Mường Gia và Mường Lò Cha gọi tắt là Mường Cha. Do đó Mường Lò còn được gọi là Mường Xam Lò (mường Ba Lò). Trong lịch sử của người Thái, Mường Lò là nơi sinh quán của Lò Lạng Chượng - người sau này dẫn dắt người Thái đi chinh phục những vùng đất mới: vùng sông Đà, sông Mã và xâm nhập sâu sâu rộng dần, đến các vùng đất đai miền Tây Bắc, kết thúc bằng việc dựng mường trung tâm ở cánh đồng Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ ngày nay), biến nơi đây thành nơi thu hút người Thái từ nhiều miền về hội cư.

3. Đặc trưng văn hóa tộc người

Tiếng Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và nằm trong dòng ngôn ngữ Nam Á. Chữ Thái xuất hiện từ rất lâu - khi Lò Lạng Chượng xưng chúa Mường, mở mang khai phá Mường Lò, thiết lập xã hội người Thái, định ra luật tục... thì trong các Mo Mường đã ghi lại bằng chữ Thái cổ những sự việc này trên tre nứa, giấy dó, vỏ cây. Ngày nay, ở Mường Lò và ở các địa phương khác, còn rất ít người biết viết và biết đọc chữ Thái cổ.

Cộng đồng người Thái sống tập trung thành bản mường ở các thung lũng lòng chảo, không cách xa nhau, thích nghi với sở trường trồng lúa nước, trồng bông, dệt vải thổ cẩm. Một phần nhờ có truyền thống văn minh lúa nước của người Thái mà có được cánh đồng nổi tiếng là Mường Lò (Yên Bái), Tú Lệ hay Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La), Mường Thanh (Điện Biên) trước đây. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt người Thái sử dụng nhiều lúa nếp. Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, tạo mương, bắc máng đưa nước vào ruộng. Một phần thu nhập nữa là do chăn nuôi gia súc, thủy sản. Cá ruộng là yếu tố đặc sắc của văn hóa Tày - Thái. Nghề thủ công truyền thống của đồng bào Thái là làm đệm bông lau, dệt vải thổ cẩm với những họa tiết hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ và có chất lượng tốt.

Kinh tế truyền thống của người Thái nhìn chung là nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi quanh năm mưa thuận gió hoà kết hợp với các kỹ thuật canh tác truyền thống (Người Thái nổi tiếng với các kỹ thuật canh tác như các phương pháp "dẫn thuỷ nhập điền" bằng hệ thống mương - phai - lái - lín, mà trong đó chiếc cọn nước là một phát minh lớn của đồng bào trong việc lợi dụng chính sức nước để đưa nước từ thấp lên cao, bằng phương pháp "Hoả- Canh-Thuỷ- Nậu"- (đốt rơm rạ cày bừa sản xuất nông nghiệp). Cùng với trồng trọt, hoạt động chăn nuôi cũng được phát triển rất mạnh tại hầu hết mọi gia đình, như trâu, bò, dê, ngựa…Bên cạnh gia súc, thì gia cầm, thuỷ cầm là nguồn thực phẩm chính được chăn nuôi để cải thiện các bữa ăn hàng ngày - nhất là trong các dịp lễ, tết, hội. Trước đây, săn bắt hái lượm đã mang lại nguồn thực phẩm chủ yếu cho đồng bào, ngày nay nghề săn bắt cá vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng người Thái cư trú ở gần các con sông, nhánh suối với nhiều kỹ thuật đánh bắt điêu luyện.

 Người Thái ở hầu khắp các làng bản đều quan tâm phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống (tiêu biểu là trồng bông, dệt vải), trước hết để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình, sau đó dùng để trao đổi hàng hóa với các dân tộc khác.

Người Thái tại đa số các làng bản đều ở nhà sàn, hai đầu hồi nhà có 2 “khau cút”. Trong nhà đáng chú ý là chiếc cột sàn hóng luông - nơi đặt/treo bàn thờ ma hay tổ tiên (khô hóng). Nơi này chỉ có người chủ gia đình là nam giới mới được vào nghỉ ngơi. Nhà sàn Thái trước đây chủ yếu lợp bằng giang và ván thông, ngày nay theo sự phát triển, vật liệu lợp nhà dần dần đã được thay thế bằng các loại vật liệu mới như ngói, và tấm lợp xi măng, tấm tôn.

Gia đình người Thái thường có 3 đến 4 thế hệ chung sống đầm ấm, ngày nay mỗi gia đình thường có từ 1 đến 3 thế hệ, các gia đình lớn “tứ đại” không còn thấy xuất hiện. Gia đình người Thái có tính bền chặt cao, vợ chồng sống chung thuỷ, ít mâu thuẫn bởi các giá trị trong truyền thống gia đình được quy định và điều chỉnh bằng những luật tục hết sức chặt chẽ. Tục ở rể vẫn còn phổ biến, ở cho đến khi vợ chồng trẻ có con mới về nhà chồng. Lễ hỏi cưới được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, nhà trai lo các lễ vật đi dạm hỏi, nhà gái lo đủ 3 bộ chăn đệm gánh về nhà trai trong ngày cưới. Trong đó có đủ chăn, đệm, gối gánh riêng cho bố mẹ chồng. Thiếu nữ Thái đen khi chưa lấy chồng thì búi tóc ngả về phía sau, khi đã xây dựng gia đình thì tóc được búi thẳng đứng, gọi là tằng cẩu. Lễ tằng cẩu diễn ra rất thiêng liêng, xúc động ngay khi cô dâu về đến nhà chồng.Tín ngưỡng truyền thống của người Thái Mường Lò (Nghĩa Lộ, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), Mường So (Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Mường Lay (tỉnh Điện Biên) hết sức phong phú và đa dạng.

Ngoài thờ cúng tổ tiên (phi hươn), người Thái còn thờ các thần linh khác như thờ cúng thần bản mường, thần ruộng đồng, thờ thần then của các dòng họ có người làm ma then…

Người Thái có kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú. Các làn điệu dân ca, dân vũ, sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức thường xuyên trong đời sống hàng ngày của người dân. “Khắp”, “Then” được thể hiện trong các hội xuân, hát gọi người yêu, đám cưới, đám tang.

Người Thái có các loại nhạc cụ dân tộc vẫn được lưu truyền như khèn bè và 7 loại Pí (sáo) rất độc đáo như “Pí Tót” là loại sáo chỉ một lỗ, “Pí Pặp” là sáo của tình yêu dùng để gọi nhau tâm tình, “Pí Rạ” dùng ống rạ để thổi, v.v.

Nói đến sinh hoạt văn hóa của người Thái ở các tỉnh thuộc vùng Tây bắc nói chung là nói đến hội hè, các trò chơi và vũ nhạc dân gian, trong đó nổi bật các điệu múa Xòe - một đặc sản văn hóa vốn khởi nguồn chỉ có riêng ở người Thái. Với người Thái, hội hè trong năm diễn ra rất đa dạng và đậm chất văn hóa Thái. Lễ hội dân gian là một phần thiết yếu trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Thái, theo chu kỳ một năm, đồng bào có nhiều lễ hội lớn mang tính chất cộng động làng bản như: lễ xên bản, xên mường, xên đông, lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng, lễ hội xên lẩu nó, lễ hội xé then… cho tới các lễ hội trong phạm vi gia đình như các nghi thức cúng vía “tám khuôn”, các lễ cúng ruộng “tám tế na”, cúng vía trâu “tám khuôn quai” hay các nghi thức khác liên quan tới thờ cúng tổ tiên và các nghi thức gia đình mà trong đó tết “Síp xí” rằm tháng bảy là một trong những tết lớn nhất của người Thái. Hàng loạt hội hè kéo dài từ đầu năm đến hết năm, từ hội đón Xuân, hội săn bắn, hội đánh cá,… đến các hội xên mường, xên bản, xên hươn, lễ “kin pang”, hội hoa ban,… Và, ở bất kỳ loại hội hè nào, cũng không thể thiếu được những cuộc vui múa Xòe với hàng chục điệu múa đặc sắc, hấp dẫn.

Văn học dân gian Thái khá phong phú, sinh động, hấp dẫn. Ngoài các thiên tình ca nổi tiếng như “Sóng trụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu), Tản chụ siết sương...các cuốn biên sử, thi sử bằng chữ Thái như: Quăm Tố Mương (chuyện kể bản mường), Cầm Hánh Tạp sấc klơng (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng)...ghi lại cho các thế hệ hậu sinh biết về lịch sử thiên di và truyền thống văn hóa của dân tộc Thái.

Tắm suối là tập quán lâu đời của đồng bào Thái nhất là đối với phụ nữ và thiếu nữ. Tại Yên Bái, các địa danh suối Nung, suối nước nóng ở Sơn A, Tú lệ là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa có nhiều nét riêng biệt, tạo cơ sở cho phát triển du lịch cộng đồng (homestay).

Người Thái là một trong những dân tộc được xem là khá cầu kỳ trong ăn mặc, ngay từ nhỏ các bé gái đã được mẹ hướng dẫn thắt “ Xài ẻo” để lớn lên có cơ thể “Eo kíu Meng Po”- (thắt đáy lưng con tò vò). Trước khi tham gia các cuộc vui ngoài bộ váy áo cỏm, phụ nữ Thái đen còn chú ý đến “Tằng cẩu” và vòng cổ tay, xà tích (dây bạc). Nghi lễ cho ngày “Tằng cẩu” được tổ chức khá cầu kỳ, trang trọng ở hầu khắp các bản làng người Thái đen. Thiếu nữ Thái đen chú ý đến nếp gấp khăn piêu. Thiếu nữ Thái trắng quan tâm đến sắc thái khuôn mặt, mái tóc, hàng “mắc pém” trên ngực. Nam giới thì đơn giản hơn, họ ít bận tâm đến trang phục, ít tham gia vào cuộc múa Xòe tập thể hay các trò chơi khác mà ham bắt cá suối và bẫy chim.

Sinh hoạt ẩm thực của đồng bào Thái cũng khá cầu kỳ trong cách chế biến, sắp đặt, sử dụng gia vị và các phụ gia, gia vị nào đi theo món ăn đó. Món ăn của người Thái thường được chế biến khá công phu với các kỹ thuật chế biến làm sao không mất đi các hương vị đặc trưng của món ăn. Cách chế biến của người Thái có nhiều loại như nướng, lam, xôi, đồ, ủ, hấp, luộc, sấy, xào, rán và ăn sống, trong đó cách xôi và nướng, lam, sấy được đồng bào sử dụng nhiều hơn cả. Cá là thực phẩm khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của người dân trong đó món cá nướng “Pa Pỉnh tộp” là đặc sản truyền thống nổi tiếng của người Thái.

Đồng bào Thái (đặc biệt là người Thái cư trú ở các mường lớn như Mường Lò, Mường Thanh, Mường So, Mường Lay) luôn tự hào về nguồn gốc lịch sử dân tộc mình, với truyền thống đấu tranh anh dũng và tự hào là cư dân nông nghiệp có nền văn minh lúa nước lâu đời. Gắn với vận mệnh dân tộc trên suốt quá trình dựng nước và giữ nước nhiều trăm năm, người Thái luôn luôn đoàn kết với các dân tộc anh em vươn lên xóa đói, giảm nghèo góp phần đưa địa phương mình ngày một giàu mạnh.

VIII. Một số kết quả kiểm kê

Các tư liệu thu thập được từ cuộc điều tra bao gồm nhiều nội dung, có thể chia thành 2 mảng chính: tư liệu định lượng (chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng như phỏng vấn bảng hỏi, thống kê… để thu thập tư liệu) và tư liệu định tính (được thu thập bởi các phương pháp hồi cố, dân tộc học).

Các thông tin này phản ánh về: 1/ Tên gọi di sản và nhận diện sinh hoạt Xòe Thái; 2/ Các hoạt động sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái trong điều kiện xã hội đương đại; 3/Những đặc điểm cơ bản của sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái; 4/ Về xu hướng trao truyền của di sản; và, 5/ Những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa của sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái hiện tại và lâu dài.

1. Tên gọi di sản và nhận diện sinh hoạt Xòe Thái

 1.1. Về tên gọi di sản

Tên gọi của di sản được cộng đồng các làng/thôn/bản/khu dân cư và các câu lạc bộ gọi theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, có những tên gọi chủ yếu sau đây:

  • Múa Xòe
  • Xòe Thái
  • Xe
  • Múa Then
  • Hát Then
  • Mố
  • Nghệ thuật múa Xòe
  • Xòe

Nhận xét: Trong số các tên gọi di sản trên đây, có 3 cách gọi phổ biến nhất là Xòe Thái, Xòe và Xe.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (86 tuổi, thị xã Nghĩa Lộ - 2018) cho biết: Từ 1945 trở về trước, người Thái nói chung đều gọi các hình thức múa hát của mình là Xe (nghĩa tiếng Thái là Múa). Người Thái đen thì phát âm và gọi múa Xòe là Mố, nhưng những chục năm gần đây, gần như không còn người Thái nào gọi theo cách phát âm cổ này nữa. Theo ông, cách gọi phổ biến cho di sản này là Xòe Thái có lẽ do người dân đã và đang quá quen thuộc với thuật ngữ thường dùng trên/từ các phương tiện truyền thông đại chúng (Truyền hình, đài phát thanh, truyền thanh và các ấn phẩm, sách báo giới thiệu văn hóa dân tộc Thái).

1.2. Nhận diện sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái

1.2.1. Quá trình ra đời và tồn tại

Như trên đã đề cập, quá trình thiên di và chinh phạt vùng đất mới của người Thái từ phương Bắc xuống phương Nam, một số bộ phận định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đã mang theo những câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích, những bài dân ca, những bản nhạc dân gian, những họa tiết hoa văn đẹp, độc đáo, thêu trên chăn gối, trên quần áo, khăn Piêu và những điệu Xòe sơ khai từ thời cổ đại, qua nhiều thế kỉ người Thái đã không ngừng phát triển và xây dựng cho bộ tộc mình một nền nghệ thuật Xòe dân gian truyền thống hết sức giàu có, đa dạng, phong phú, đặc sắc và rất nổi tiếng. Theo nhà dân tộc học Cầm Trọng: “Ngày xưa, khi các đoàn quân chinh chiến của các nhóm Thái ra đi, các thủ lĩnh của họ mặc áo dài đỏ, dưới chân vạt áo có một đường họa tiết trang trí màu sắc rực rỡ. Đoàn quân ấy rất thạo về tay kiếm, tay mộc, tay khiên…từ đó dần dần xuất hiện điệu múa gọi là “Xé lảng, xé pén”- (múa giáo, múa khiên” (Cầm Trọng, 1978). Cho đến nay, người Thái cư trú tại Châu Xishuanbanna (Vân Nam, Trung Quốc), nơi được coi là vùng đất khởi nguồn của dân tộc Thái, múa vũ thuật (tay không hoặc cầm khiên, cầm gươm, cầm gậy) là điệu múa nổi tiếng và phổ biến nhất trong hệ thống 22 điệu Xòe của cộng đồng 12 bản người Thái.

Như vậy, trước khi đến Việt Nam với những tư thế, động tác trong chinh chiến, người Thái đã sáng tạo ra các điệu múa tương tự, hoặc mô phỏng các hoạt động trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống,… Chính từ những điệu vỗ tay quanh đống lửa, những tiếng hú vang động núi rừng mỗi khi có niềm vui hoặc hiểm nguy hay những lúc cần tăng sinh khí cho con người mà người Thái đã sáng tạo ra những nhịp Xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đèn tính.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc nhận định rằng xét về cội nguồn, Xòe trước hết bắt nguồn và gắn kết với sinh hoạt tín ngưỡng. Xòe là nơi góp phần thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ và về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ của các thày cúng và người tham gia thực hành chính là các con bệnh hoặc những người có niềm tin vào thần linh. Các điệu Xòe nghi lễ cúng Then là biểu hiện tập trung nhất của các hình thức múa (Lễ hội Kin Pang Then), với các dạng múa/Xòe dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía về, múa dâng lễ cám ơn các thiên binh đã cứu mệnh cho người ốm. Đi kèm theo các điệu múa Xòe là những lời hát chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh và ẩn chứa quan niệm của con nguwofi về vũ trụ, con người[1].  

Người dân ở Mường Lò, Nghĩa Lộ và vùng lân cận nơi đây thường gọi nghệ thuật múa của mình là Xòe cổ. Một số nghệ nhân cao niên (lứa tuổi 75-85) hiện đang sinh sống tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa lộ vẫn còn gọi hình thức múa Xòe của dân tộc mình là Xe Cáu Ké (Xòe cổ), còn thanh niên và thế hệ trẻ nói chung gọi là Xòe cổ. Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: “Gọi Xé Cáu Ké hay Xòe cổ vì không biết ai đặt tên là như vậy, chỉ biết Xòe cổ có từ đời ông, bà, tổ tiên truyền lại, trong tất cả các cuộc cũng không thể thiếu vắng những điệu Xòe cổ. Ngày xưa, dù bất cứ ngày lễ tết, hội hè đến những cuộc vui chơi giải trí ngày thường như những ngày lao động hoặc sau mùa gặt vất vả, làm xong một ngôi nhà, nóc bếp họ đều tổ chức Xòe, Xòe là hoạt động quan trọng trong các hoạt động cộng đồng của họ. Họ cầm tay nhau động viên, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng nhau vượt lên những vất vả của cuộc sống hay cùng nhau chia xẻ, động viên những niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ thành quả lao động của mình. Xoè trở thành sức hút mãnh liệt, nó thu hút mọi người đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, thành phần xã hội. Xòe có tác động kích thích lao động sản xuất, sau những giờ lao động vất vả, con người được hoà nhập với không khí vui tươi, hoà nhập với thiên nhiên, cùng nhau nắm tay Xòe để quên hết mọi âu lo, mệt nhọc, cân bằng lại được tâm sinh lý, tạo tâm lý hứng khởi giữa người với người yêu quý nhau hơn, yêu cuộc sống hơn, hăng say lao động sản xuất hơn. Xòe để được gần nhau hơn và từ đó thêm yêu làng bản, quê hương mình”[2].

Từ 1945 trở về trước, xã hội bản mường bị phân hóa: bên trên là tầng lớp quý tộc Thái nắm trong tay bộ máy quản lý, thống trị và bóc lột người trực tiếp sản xuất trong bản mường, bên dưới là quảng đại quần chúng nông dân lao động thuộc nhiều thành phần. Vì vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, dân Xòe với dân, quan Xòe với quan. Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: Ngày đó các đội Xòe đều do bản thân hoặc các con cháu Phìa (đầu mường) được quan chức chính quyền Thực dân cai trị Pháp cho phép đứng ra tổ chức với mục đích tăng uy tín, ảnh hưởng của chế độ thực dân Pháp và của Phìa - Tạo về mặt chính trị, văn hóa. Đồng thời các đội Xòe tạo ra những điều kiện vui chơi giải trí, thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của chúng. Người xoè gọi là Gái Xòe (Xao Xé). Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, có khiếu Xòe ở độ tuổi từ 13 đến 17. Người đệm đàn gọi là Báo Khỏa, họ có chức năng đệm đàn cho Gái Xòe (Xao Xé) luyện tập và biểu diễn.

Từ khi được giải phóng (1954) đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng bản làng, những ngày lễ tiết trong năm. Các bậc cao niên từ lứa tuổi 70 trở lên đều thống nhất nhận định: Từ những năm kháng chiến phục vụ chiến dịch Điện Biên cho đến những năm đầu hòa bình lập lại, chưa bao giờ Xòe lại trở thành nhịp cầu gắn kết sinh hoạt văn hóa giữa quân đội với dân bản chặt chẽ đến vậy. Khác hẳn với chế độ trước đây, bước vào chế độ xã hội mới, quần chúng nhân dân cùng Xòe với các nhà lãnh đạo, cán bộ mời dân Xòe, bộ đội Xòe với dân bản, tình đoàn kết, cố kết cộng đồng càng rõ nét và thắm thiết hơn bao giờ hết, không phân biệt người trên người dưới. Dù đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, tủi nhục, người Thái vẫn truyền giữ được nét đẹp của các điệu Xòe và khi gặp cách mạng, tình quân dân càng làm cho không khí mỗi cuộc Xòe thêm sôi động… Nhờ đó, những năm tháng kháng chiến đã góp phần giúp cho sự giữ gìn, phát triển nét văn hóa riêng của tộc người Thái cũng như những giá trị nhân văn và tính cố kết cộng đồng hết sức chặt chẽ[3].

Những chục năm gần đây, 90% người dân được khảo sát cho rằng, Xòe của người Thái ở hầu khắp các thôn/bản đã dần khôi phục được các điệu Xòe truyền thống trong quá khứ, trở thành hình thức múa dân gian với cách thức hoàn chỉnh về mặt nghệ thuật của một cuộc Xòe , nó trở thành một điển hình của múa tập thể theo kiểu truyền thống.

  Xòe hay xe có nghĩa là nhảy múa trong ngôn ngữ Thái, hình thành từ múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đời sống cộng đồng, các trí thức của các mường đã góp phần sáng tạo thêm các điệu Xòe biểu hiện nội tâm phong phú của con người, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hóa quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xòe có các động tác cơ bản là: vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ - Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn, tạo ra sự thăng hoa cho người thực hiện.

Nhạc cụ đệm cho Xoè bao gồm trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, tính tẩu, quả nhạc, kèn, chũm choẹ. Tiết tấu giai điệu khác nhau ở sự nhanh, chậm của động tác múa, trong quá trình mô phỏng hành trình Then lên trời, tìm hồn về nhập xác. Chính vì thế, những hình thức múa then kèm các đạo cụ như khăn, quạt, quả lắc, gậy,… là cách thức mô phỏng các hình thức được thực hiện trong hành trình của Then lên trời (động tác kéo khăn tượng trưng cho chèo thuyền vượt sông Ngân Hà, có khi chiếc khăn được tại hiện động tác của cái cuốc, con dao dùng phát mở đường cho đoàn Then đi, có khi lại được xoát tròn trên đầu tượng trưng cho gió, cho mây; quả lắc - mák hính tượng trưng cho tiếng nhạc ngựa đưa Then đi; múa tính tẩu tượng trưng cho hai con gà chọi nhau,…). Nhưng âm điệu phổ biến mang tính đặc trưng được thể hiện ở quãng hai trưởng, quãng ba, quãng bốn trưởng và thứ, quãng năm đúng. Nhịp điệu thường nhấn mạnh ở khuôn nhạc 2/4, 4/4, phù hợp với động tác bước tiến, ký, bước lùi, ký, tay vung lên xuống đều đặn.

Những động tác múa nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc, trang phục truyền thống tạo cho Xòe trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Những năm gần đây, thế hệ trẻ đã mang lại cho sinh hoạt Xòe những sắc thái mới qua nhiều hình thức và điệu bộ. Tiết tấu Xòe cũng phản ánh nhịp điệu tình cảm mới của người Thái đương thời. Từ em bé tung tăng nhảy xoè đến người cao tuổi, các cô gái chàng trai trao đổi tâm tình không bằng lời nói mà bằng ánh mắt nụ cười, nắm tay siết chặt vào nhau, để lại hơi ấm bàn tay trong lòng du khách, nồng nàn, khó quên. Sự chuyển động đội hình cũng thể hiện phần nào tình cảm ấy.

Động tác Xòe và các điệu Xòe hiện nay có những đường nét mới do những biến hóa của những động tác chủ đạo vốn có trong Xòe truyền thống. Sự phát triển của các điệu Xòe ngày nay dựa trên cơ sở, nền tảng, chất liệu của xoè truyền thống là một quá trình vận động liên tục, được duy trì và phát triển thành những điệu khác. Một số động tác được cải biên, đạo cụ được sử dụng ngoài khăn còn quạt trong xoè quạt, nón trong Xòe nón, là hoa trong điệu Xòe hoa. Mỗi bản hình thành các đội Xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản, mường hướng dẫn tập luyện, để đi biểu diễn giao lưu với các địa phương khác. Đặc biệt ở thị xã Nghĩa Lộ hiện nay (2017) đã thành lập được một đội Xòe lên tới 1.500 người, tập hợp/huy động từ đội Xòe ở các bản, với mục đích chủ yếu để đi biểu diễn phục vụ những dịp lễ tết và những ngày hội văn hóa lớn được tổ chức tại tỉnh Yên Bái, hoặc tham gia Ngày hội văn các dân tộc Tây Bắc, Lễ hội du lịch về nguồn (kết hợp giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ) diễn ra theo lịch trình tổ chức của các nhà quản lý văn hóa địa phương.

1.2.2. Cách thức và không gian thực hành di sản

Cách thức thể hiện của Xòe người Thái được gắn với các loại hoàn cảnh sinh hoạt xã hội. Tùy theo từng loại hoàn cảnh (không gian văn hóa nhất định) mà có những hệ thống điệu Xòe được thực hành cho phù hợp với không khí sinh hoạt và ý nghĩa cần có của tính chất cuộc chơi.

Cho đến nay, người Thái ở các thôn bản chủ yếu thực hành 6 điệu Xòe cơ bản, diễn ra phổ biến trong mọi cuộc sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Đó là các điệu Xòe:

i. Điệu Xòe Khắm khăn mơi lẩu - Nâng khăn mời rượu

Động tác 1: Hai tay nâng khăn mở tay, hai tay nâng hai chén rượu. Nhún đưa chân bước nhịp 1-2 chân phải bước sang phải, sang trái chân bên cạnh ký sát đồng thời nhún xuống. Phần tay đưa trước mặt sang hai bên nhẹ nhàng. Hai hàng hai bên đi ra và tiến lên.

Động tác 2: Phần tay vẫn như động tác 1 nhịp nhàng đưa sang trái sang phải, cùng chiều với bước chân, nhún mềm chân. Lúc này hai hàng có sự di chuyển, hàng thứ 2 đứng tại chỗ, hàng thứ nhất ngồi xuống, phần tay vẫn như vậy.

Động tác 3: Phần tay và phần chân không thay đổi, ở động tác này di chuyền về đội hình hai hàng trên cơ sở phần tay và phần chân như động tác 1 di chuyển hai hàng đổi chỗ cho nhau, lên xuống.

Động tác 4: Hai hàng nhập vào 1 hàng ngang, từng đôi di chuyển đi lên giữa trung tâm. Trên cơ sở phần tay và chân như động tác 1. Từng đôi tiến lên, quỳ xuống, nâng cao khăn cúi đầu xuống mời rượu, khi nào người được mời uống xong thì người Xòe lại tiếp tục Xòe đi xuống và đổi chỗ cho đôi khác lên mời, cứ thế từng đôi lên mời rượu đến khi kết thúc, tan cuộc.

ii. Điệu xoè Phá xí - Bổ bốn

Động tác 1: Từng đôi đan bàn tay vào nhau đưa sang trái, sang phải, chân bước nhịp 1-2-3-4. Ở nhịp 4 chân bên cạnh ký sát chân trụ đồng thời nhún xuống, tay đưa lượng sang ngang cao. động tác được lặp đi lặp lai nhiều lần.

Động tác 2: Bốn người nhập vào nhau, tay vẫn đan vào nhau, bước chân như động tác 1, phần tay đặt sát thân người chéo nhau, bổ bốn hướng cứ thế xoay chuyển bổ bốn.

Động tác 3: Tách từng đôi một như đội hình của động tác 1, đan tay vào nhau lộn vòng, kết hợp động tác 1 cứ thế lộn vòng tay nhau bên trái và bên phải.

Động tác 4: Chuyển về động tác 1 di chuyển đi vào kết thúc điệu Xòe.

iii. Điệu Xòe Đổn hôn - Tiến lùi

Động tác 1: Hai tay nâng khăn đung đưa chéo hai bên sườn theo nhịp bước chân. Bước chân kép nhịp 4, bước đi sệt chân 1-2-3-4 nhịp 4 rút chân về ký mũi chân bên cạnh đồng thời nhún mềm. Hai hàng hai bên đi ra tạo thành hình tròn.

Động tác 2: Mặt hướng trên đường tròn, từng đôi đổi chỗ qua nhau, phần tay và phần chân như động tác 1.

Động tác 3: Phần tay và phần chân như động tác 1, di chuyển trên vòng tròn đi vào kết thúc điệu Xòe.

iiii. Điệu Xòe Nhôm khăn - Tung khăn

Động tác 1: Chân bước đơn, khăn quàng cổ, bước chân sệt đi nhịp 2 nhún xuống, chân ký bên cạnh đồng thời cầm hai đầu khăn tung lên, di chuyển vào vòng tròn.

Động tác 2: Quay mặt vào vòng tròn di chuyển trên vòng tròn, phần tay và phần chân như động tác 1.

Động tác 3: Đan xen tiến lùi tạo thành một vòng chòn nhỏ bên trong vòng tròn lớn, phần tay và phần chân như động tác 1. Cứ thế đổi chỗ qua nhau, vòng tròn di chuyền đi vào kết thúc điệu xoè.

iv. Điệu xoè Ỏm lọm tốp mư - Vòng tròn vỗ tay

Động tác 1: Hai hàng hai bên đi ra tạo vòng tròn, chân bước kép nhịp 4. Hai tay đưa đều hai bên, nhịp 4 vỗ tay, chân đồng thời nhảy nhẹ lên 1 chân giơ chếch 450.

Động tác 2: Di chuyển trên vòng tròn, phần chân và tay như động tác 1.

Động tác 3: Xen kẽ vào vòng tròn tạo thanh một vòng chòn nhỏ bên trong, phần chân và tay như động tác 1. Cứ thế đan xen nhau tạo thành 2 vòng tròn (1 nhỏ - 1 to bên ngoài). Xoè xong di chuyển vòng tròn ra ngoài kết thúc điệu xoè

vi. Điệu Xòe Ỏm lọm khắm khăn - Nắm tay vòng tròn

Để Xòe, mọi người xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng Xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để Xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau. Về động tác của Xòe vòng gồm 2 bước chính và 2 bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, bàn tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp trống, chiêng, tính tảu. Các động tác cứ như vậy được lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng Xòe dần dần được mở rộng bởi mỗi lúc mọi người đến Xòe một đông.

Trang phục của đồng bào dân tộc Thái trong Xòe vòng càng làm tôn thêm nét đẹp truyền thống, đặc biệt đối với phụ nữ Thái càng duyên dáng hơn nhờ chiếc cóm (áo nữ) đủ màu sắc đính hàng khuy bạc hình bướm, hình nhện, hình ve sầu…chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân kết hợp với chiếc váy vải màu thâm, hình ống dài tha thướt; eo lưng được thắt bằng dải lụa màu xanh lá cây; dây xà tích bạc đính hình lục lạc, con bướm, ve, cá đeo ngoài cạp váy càng tạo nên nét quyến rũ của người phụ nữ Thái trong điệu Xòe. Vào những ngày lễ trọng, khi tham gia Xòe, người phụ nữ Thái còn mặc thêm áo dài đen, xẻ nách hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng đính vải trang trí ở sườn nách và đôi vai ở phía trước như của người Thái Trắng. Nữ Thái Đen đội piêu (khăn), nổi bật với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ, tóc búi ngược báo hiệu đã có chồng (với nghi lễ Tắng Cẩu bắt buộc, độc đáo và hấp dẫn). Trang phục Nam người Thái, quần được cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng trước kia được thắt bằng dây rừng, ngày nay loại quần này ít được phổ biến; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải, áo cổ đứng chỉ có chân thấp không có ve. Màu quần áo phổ biến là màu chàm. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong mặc một lần áo trắng.

Trước đây, việc xoè trong lễ hội bản mường (xên bản, xên mường…) gắn với phần nghi lễ đều do các ông Mo (thầy cúng) đứng ra chủ trì và những người tham gia vào cuộc Xòe cũng chỉ là những người được coi là “có căn số” do Then Mo (thầy cúng) lựa chọn để cùng Xòe theo những nghi thức bài bản đã định. Xòe gắn với tín ngưỡng nói chung hướng đến tâm thức thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời, đất với các vị thần linh - những người đã tạo bản, tạo mường, phù hộ cho dân bản, mường được ấm no, hạnh phúc, tiêu trừ bệnh dịch, lúa, ngô được mùa, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hoà, không thiên tai, nạn dịch…một sự thành kính với các đấng thần linh trong lễ thức.

1.2.3. Một số đạo cụ truyền thống trong sinh hoạt Xòe

Theo ông Đinh Văn Cửu nhận định: Sinh hoạt Xòe của người Thái đã âm thầm phát triển. Trước đây, múa Xòe chủ yếu tập trung vào mấy điệu múa khăn, vốn văn hóa do cha ông từ nhiều đời trước truyền lại. Dần dần, do những điều kiện giao lưu về kinh tế - văn hóa giữa các địa phương phát triển, người dân nơi đây đã biết tìm hiểu để phục hồi các điệu Xòe truyền thống vốn đã bị lãng quên, thực hành thêm nhiều điệu múa Xòe có sử dụng các phương tiện quen thuộc của người Thái để làm đạo cụ diễn xướng. Tên các loại đạo cụ đó trở thành tên gọi cho từng loại múa Xòe, theo những nội dung diễn xướng mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị văn hóa khác nhau. Đấy là các loại Xòe đến nay đã thành danh, quen thuộc với hầu hết các đội văn nghệ thôn bản: Xe cúp (múa nón), Xe vi (múa quạt), Xe khăn (múa khăn), Xe mák hính (múa quả nhạc), Xe pooc (múa bằng những bông hoa), Xe mạy (múa gậy), Xe tính tẩu (múa đàn tính). Đi theo những điệu múa của từng loại đạo cụ này còn là đội ngũ phục vụ nhạc đệm với những Khèn bè, Đàn tính, Quả nhạc, Trống to - nhỏ, Ống tăng bẳng (ống gõ chế tác như mõ)[4].

Có thể nhận diện đặc điểm của các loại Xòe có sử dụng đạo cụ như sau:

a. Xòe khăn (múa khăn)

Theo các bậc cao niên kể lại: Trước đây, người Thái khi tổ chức sinh hoạt Xòe, chủ yếu chỉ dùng đạo cụ là chiếc khăn, dệt theo hình dải lụa nhiều màu sắc. Người dân quan niệm rằng, chiếc khăn là sản phẩm của lao động, nó mang trong mình cả giá trị vật chất và tinh thần, do người Thái nơi đây sáng tạo ra. Hầu hết các cuộc Xòe đều gắn với việc sử dụng chiếc khăn theo từng dạng thức nâng khăn mời rượu (điệu Khắm khăn mơi lẩu) hay điệu Xòe Đổn hôn (bắt chéo khăn theo các bước tiến - lùi, hoặc điệu Nhôm khăn (tay múa tung khăn lên trên đầu hoặc ra các phía). Người Xòe sử dụng khăn chuyển động với thân người, cùng sự vận động của chân với những tư thế, góc độ, nét mặt, ánh mắt tạo nên những đường nét Xòe với khăn thực sự độc đáo. Ngoài ra, đạo cụ khăn còn là vật trang điểm cho một số động tác Xòe khác song dù là ở mức độ nào chiếc khăn cũng được coi là vật phẩm đáng trân trọng của người dân nơi đây, điều đó nó được thể hiện qua các hoạt động văn hóa cộng đồng khi khách quý đến chơi, hay các dịp lễ tết để thể hiện sự thân thiện, mến khách họ thường quàng và tặng khăn. Phỏng vấn một số nghệ nhân tại Nậm Nhùn, Phong Thổ) (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La) và Nghĩa Lộ (Yên Bái), còn nhận biết thêm về vai trò của tấm khăn trong múa Xòe phục vụ nghi lễ của người Thái. Khi cuộc Xòe diễn ra trước ban thờ do thày cúng chủ trì, chiếc khăn qua các dạng điệu thực hành của các cô gái Thái uyển chuyển biến đổi theo các lớp lang nghi lễ khác nhau. Khi hai tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn sông Hồng tìm về đất Tổ. Khi chiếc khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu, biểu tượng cho chiếc thang dựng ra để đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu. Khi chiếc khăn được xoắn lại, quay theo nhịp múa,trở thành biểu tượng cho chiếc roi ngựa giong ngựa tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới.

 Đối với phụ nữ Thái Trắng không đội khăn piêu thường sử dụng khăn lụa dài để múa còn phụ nữ Thái Đen họ sử dụng chiếc khăn piêu thường đội đầu có thêu những hoa văn rất đẹp để múa.

b. Xòe nón (múa nón): Múa nón Mường Lay (Điện Biên) tiếp thu những động tác múa nón Phong Thổ (Lai Châu) như: Đưa nón sang hai bên người, nhún ngang, đưa nón sau gáy, nghiêng nón hai bên đầu, lao nón, xoay nón trên đầu, ngồi chống nón trước mặt và sáng tạo những động tác riêng như động tác: nâng nón, ngửa nón, nâng nón sau lưng, đọ nón, xoay nón trước ngực.

c. Xòe quạt (múa quạt): Có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt Xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt Xòe ở hai tay, quạt cũng có khi Xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.

d. Xòe sạp (múa sạp): Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 - 4cm, dài 3 - 4m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 - 40cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động.

e. Xòe nhạc (múa quả nhạc - Xòe mák hính): Người múa đeo chùm nhạc (từ 3 - 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo một tay phải. Quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Trong múa nhạc sử dụng bước chân Phong Thổ, Mường Lay và bước vội. Khi múa, hai bàn tay xấp chồng lên nhau, tay phải ở trên; từ tư thế này hai tay đánh nhạc ra hai bên mở xế gần 45 độ, sau đó hai tay vuốt vào về tư thế ban đầu. Quá trình đánh ra - vào nhạc có tiếng kêu, khi đánh sử dụng mu bàn tay để bật cho nhạc kêu là chính, không dùng bàn tay nắm vào mở ra, mắt nhìn theo tay.

f. Xòe chai: là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu.

1.2.3. Không gian thực hành di sản:

Xòe được tổ chức tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ thuộc Yên Bái; huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường và thành phố Lai Châu thuộc Lai Châu; các huyện: Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Sốp Cộp, Bắc Yên, Vân Hồ, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Mộc Châu, và thành phố Sơn La thuộc Sơn La; các huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ thuộc Điện Biên;. Những địa bàn được coi là trung tâm Xòe như Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và Mường Thanh (Điện Biên).

Tại tỉnh Yên Bái, Xòe được thực hành tại 4 huyện/thị với 15 xã/phường và 102 thôn/bản người Thái. Tổng số người thực hành tại 180 đội văn nghệ là 1.200 người ở các lứa tuổi và thành phần khác nhau. Năm 2015, đã có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (Lò Văn Biến và Điêu thị Xiêng).

Tại tỉnh Sơn La, tổng số người thực hành Xòe Thái tại 119 thôn bản trên địa bản 6 huyện thị là 1.471 người thực hành, bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, với các vai trò khác nhau như nghệ nhân múa Xòe (là những người có kinh nghiệm múa Xòe nhiều năm), người chơi nhạc cụ, người thực hành và người trẻ đang thực hành. Số lượng những người này về cơ bản hiện đang hoạt động thường xuyên dưới hình thức các đội văn nghệ Xòe Thái ở các thôn bản được kiểm kê trên. Theo kiểm kê, 6 huyện thị có 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Xòe Thái năm 2015.

Tại tỉnh Lai Châu, cộng đồng người Thái sinh sống tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường và thành phố Lai Châu tổ chức sinh hoạt Xòe tại 100 đội văn nghệ thôn/bản với hơn 1.200 người tham gia. Năm 2015, đã có 4 người được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Tại tỉnh Điện Biên, Xòe Thái được thực hành tại 10 huyện/thị với 150 thôn bản và 1.273 đội văn nghệ. Tổng số đội văn nghệ Xòe Thái tiêu biểu ở 4 huyện thị thực hiện kiểm kê là 94 đội Xòe Thái với tổng số 966 nghệ nhân, nhạc công và người thực hành thường xuyên Xòe Thái. Khảo sát về số lượng nghệ nhân Xoè Thái đã được nhà nước phong tặng, cho đến thời điểm khảo sát (8-2018), Điện Biên có 03 nghệ nhân Xoè Thái được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (Mào Văn Ết, Lương Thị Đai và nghệ nhân Hoàng Thím - đã mất).

  Với người Thái, việc tổ chức một buổi sinh hoạt múa Xòe thường được diễn ra ở các không gian linh hoạt, không cố định từ trước. Trước đây, không gian để sinh hoạt múa Xòe có thể là tại một gia đình có nhà sàn vào loại cao rộng, hay gia đình có sự việc vui vẻ (cưới xin, tân gia, sinh nhật,…), muốn mời dân bản đến chia vui; đấy có thể là ngay cạnh nương rẫy hay bên bờ suối, vui múa Xòe giữa những buổi lao động mệt nhọc. Nhưng không gian mang tính phổ biến nhất thường được sử dụng tổ chức vui sinh hoạt văn nghệ cho cộng đồng là khoảng sân trống rộng rãi giữa khu vực cư trú của dân bản.

Sau này, do điều kiện phát triển của xã hội nói chung và thôn bản nói riêng, ở hầu hết các thôn bản đã có nhà văn hóa thôn, được sử dụng hội họp và tổ chức cho các hình thức sinh hoạt đời sống cộng đồng, trong đó hoạt động của các đội văn nghệ và múa Xòe thường diễn ra tại đây. Ngoài ra, tùy thuộc vào mục đích tổ chức các cuộc Xòe mà việc tổ chức có thể còn diễn ra ở những không gian rộng/hẹp khác nhau (các buổi kỷ niệm, lễ lớn tổ chức tại quảng trường, sân vận động của xã/phường; các hội đoàn tổ chức tại hội trường của xã).

Về các dịp diễn ra múa Xòe, 94,9% các cộng đồng cho biết thường xuyên múa Xòe trong các lễ cưới và lễ mừng nhà mới; 86,2% thường xuyên múa Xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức; 70,4% thường xuyên múa Xòe trong các dịp lễ hội truyền thống; các dịp lễ khác cũng thường có múa Xòe như các sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các CLB, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống, chỉ có 12,4% có thường xuyên Xòe trong các lễ cúng; 8,4% có Xòe trong các nghi lễ vòng đời người; đặc biết hiếm có Xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/bản thuộc huyện Vân Hồ - Sơn La và 2 thôn/bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái là còn thực hành Xòe trong tang ma) - Phỏng vấn các nghệ nhân Lường Văn Châu, Hà Văn Kiểm và Vi Văn Phúc các bản Nà Bó và Bó Hiềng, xã Ma Păng, nghệ nhân Hà Thị Lánh, xã Men, huyện Vân Hồ, ngày 22/3/2018.

2. Đặc điểm của nghệ thuật múa Xòe người Thái

2.1. Đặc điểm về người thực hành

Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái (Thái đen và Thái trắng - phân biệt qua màu sắc trang phục) tập trung đông nhất ở các tỉnh thuộc Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên); và rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Những người thực hành Xòe Thái là cộng đồng cư dân người Thái không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị công tác, miễn là có sức khỏe và đủ điều kiện hình thể tham gia sinh hoạt Xòe.

Những người nắm giữ và thực hành sinh hoạt Xòe của cộng đồng người Thái trước hết là những thầy cúng (còn gọi là những thày Tào, thày Mo, thày Phựt, ông Then, bà Then) và những người dân vốn là những con bệnh, được thày cúng chữa khỏi, nhận làm các “con nuôi”, hàng năm tụ tập về nhà thày để dâng lễ và trả ơn. Thày cúng là người có “căn số” tự thân hoặc được đào tạo từ gia đình (từ ông bà, cha mẹ), với khả năng giao tiếp được với thần linh, hiểu biết thông thạo các thực hành nghi lễ, biết cách thức múa dâng lễ và trao truyền cho các con nhang đệ tử thực hành tại các buổi lễ được tổ chức tại điện thờ của mình hoặc tại nhà con nhang đệ tử cần chữa bệnh, cứu nạn. Các con nhang thường là những người được chữa khỏi bệnh, được cứu nạn do thờ cúng, được dạy cách múa Xòe dâng lễ qua các động tác mang những ý nghĩa khác nhau với thần linh.

Những người nắm giữ cách thức thực hành Xòe và có khả năng truyền dạy của cộng đồng người Thái chiếm số lượng không nhiều, thường là người được học hành, có trí tuệ, am hiểu phong tục tập quán tộc người và có năng khiếu văn nghệ, có khả năng thực hành, gìn giữ và sáng tạo các điệu múa từ tiền nhân truyền lại, được cộng đồng quý trọng và tin theo. Đó còn là những người vốn được đào tạo từ các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, về địa phương sưu tập, nghiên cứu nghệ thuật Xòe và nắm vững kỹ năng múa Xòe, đủ khả năng sáng tạo, kỹ năng thuần thục đủ khả năng truyền dạy cho cộng đồng cách thức thực hành Xòe của dân tộc mình.

Nhiều người nắm giữ và thực hành sinh hoạt Xòe của cộng đồng người Thái còn là những người có năng khiếu âm nhạc, biết sử dụng nhạc cụ đàn tính, trống, cùng các nhạc cụ dân tộc khác, tham gia truyền dạy âm nhạc và cách thức Xòe cho người dân trong cộng đồng.

Thực hành Xòe Thái luôn mang tính tập thể, tối thiểu phải có từ 8 người trở lên (đủ một đội Xòe), thường hình thành theo nhóm hoặc đội văn nghệ, câu lạc bộ hay các tổ chức hội đoàn (Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội nghề nghiệp, Hội đồng niên, Đoàn Thanh niên, hay từng lớp học tại nhà trường các cấp).

Thực hành Xòe Thái không giới hạn trong cộng đồng một địa phương (làng/bản), mà luôn sẵn sàng thu nạp người ngoài địa phương theo các quan hệ xã hội khác nhau hoặc từ người của các dân tộc khác cùng tham gia thực hành. Những người thực hành Xòe Thái khi gắn với sinh hoạt tín ngưỡng thường do các thày cúng tổ chức với sự tham gia của các con nhang đệ tử cùng cộng đồng dân cư (chủ yếu là người Thái) có niềm tin vào thần linh phù hộ chữa được bệnh tật, nghèo khó. Nhóm người thực hành này thường gắn bó với nhau thành bản hội, nhóm người cùng cảnh ngộ,tự nguyện cùng nhau thực hành Xòe trong các nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội tại các di tích tâm linh hoặc tại nhà thày cúng (thày Tào, thày Phựt, thày Mo) hoặc đôi khi tại chính nhà của con bệnh hay người gặp hoàn cảnh hoạn nạn trong làng/bản.

 Những cuộc Xòe trong cộng đồng/nhóm người thường được tổ chức trong phần kết thúc cho các sự kiện, lễ hội hay các hình thức sinh hoạt thường nhật của một tập thể người nhất định (ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin,…).

Nghệ thuật Xòe Thái ở Tây Bắc Việt Nam chủ yếu dành cho nữ, nữ múa là chính; tính chất múa nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng linh hoạt.

Người tham gia thực hành Xòe Thái nói chung không phân biệt lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, chính trị, giới tính, địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Với các cuộc Xòe gắn cùng thực hành nghi lễ do Thày/Bà Then tổ chức, người tham gia chủ yếu là các con bệnh được chữa khỏi, đến để tạ ơn thần linh/Then hoặc những người đang gặp hoạn nạn, ốm đau đến dâng lễ và tham dự để cầu cúng.

 Thực hành sinh hoạt Xòe được tổ chức tại hầu khắp các làng bản của ngườiThái cư trú ở nhiều địa phương. Các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên) là nơi có cộng đồng người Thái (Thái đen và Thái trắng) cư trú đông nhất, trong đó có những địa bàn được coi là các trung tâm sinh hoạt Xòe như Mường Lò (Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, Yên Bái), Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu), Mường Lay và Mường Thanh (thuộc thị xã Mường Lay; huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên). Các địa bàn được coi là những trung tâm thực hành Xòe Thái lớn nhất này gắn với lịch sử di cư và cư trú lâu đời của người Thái ở Việt Nam (từ thế kỷ XI trở đi). Địa điểm tổ chức Xòe thường tại Nhà cộng đồng, Nhà văn hóa thôn/bản hoặc tại một trong những ngôi nhà to đẹp của người dân trong bản. Khi thực hành Xòe gắn với nghi lễ thường tổ chức tại nhà của thày cúng hoặc tại nhà của con bệnh hay người gặp hoàn cảnh hoạn nạn cần thần linh cứu giúp. Ngoài ra, Xòe còn được thực hành tại các địa điểm vui chơi, các không gian phù hợp tại nơi lao động hoặc du lịch.

3. Giá trị của nghệ thuật Xòe Thái trong đời sống văn hóa cộng đồng

Sinh hoạt múa Xòe ở tất cả các thôn bản người Thái (như đã nêu ở trên), không phân biệt lứa tuổi, giới tính, thành phần nghề nghiệp, chính trị, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Bên cạnh những điệu Xòe dành cho những con hoa của thầy cúng, hay những điệu Xòe khó dành cho các nghệ nhân có kinh nghiệm, Xòe vòng là Xòe thập thể, dành cho tất cả mọi người. Bằng cách thu hút mọi người cùng tham gia, Xòe thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên của cộng đồng người Thái và ngoài cộng đồng. Chính vì thế, nghệ thuật Xòe Thái là phương tiện giao tiếp để kết nối các cộng đồng xích lại gần nhau và đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt. Theo số liệu khảo sát tại các địa bàn được kiểm kê di sản, có tới 97% cho rằng nghệ thuật Xòe Thái giúp tạo không gian vui chơi giải trí cho người dân cộng đồng cũng như việc mở rộng quan hệ với các cộng đồng thôn bản trong vùng. 75,8% cho rằng nghệ thuật Xòe có giá trị tạo quan hệ đoàn kết, giao lưu cộng đồng trong thôn/bản. 57,6% cho rằng nghệ thuật Xòe giúp đáp ứng cho nhu cầu thực hành tín ngưỡng, phong tục của người dân và 55,6% cho rằng nghệ thuật Xòe thể hiện tín ngưỡng dân gian của địa phương. Kết quả này cho thấy nghệ thuật Xòe ngày càng hướng tới các giá trị giải trí, tăng sự phong phú trong đời sống tinh thần cho người dân các cộng đồng người Thái ở các địa bàn cư trú và sinh sống làm ăn.

Nghệ thuật Xòe Thái có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả, giúp con người được vui vẻ, thư giãn, phục hồi sức khỏe để sau đó tiếp tục tham gia lao động, sản xuất năng xuất, hiệu quả hơn. Xòe Thái như là một nguồn lực văn hóa, kết nối các thành viên cộng đồng để tạo thành sức mạnh tập thể. Điều này minh chứng cho sự kết nối giữa di sản văn hóa phi vật thể và sự phát triển bền vững. Theo tập tục, người Thái biết cách sử dụng nguồn liệu tự nhiên một cách bền vững. Trong Xòe, các nhạc cụ dân tộc, cây nghi lễ làm từ sản vật tự nhiên như gỗ, tre nứa, các món ăn từ nông sản địa phương cũng truyền tải thông điệp về ứng xử của người Thái với thiên nhiên một cách bền vững.

Nghệ thuật Xòe Thái trở thành một thứ tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em, trong và ngoài nước.

Nghệ thuật Xòe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

4. Sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại

Tổng hợp các ý kiến thảo luận từ các địa bàn được kiểm kê của 4 tỉnh, hầu hết đều cho rằng, từ sau 1954 đến những năm 80 của thế kỷ trước, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các thôn bản gần như dừng ở hoạt động tự phát, tùy theo nhu cầu cá nhân hoặc nhóm người nhất định ở các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh thực trạng này, theo ý kiến tổng hợp qua kiểm kê, thể hiện cụ thể:

- Do hoàn cảnh chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong hoàn cảnh bom đạn, cộng đồng không có khả năng, thời gian để an vui sinh hoạt văn nghệ công khai, mang tính tập thể như thời bình.

- Do thiết chế văn hóa thời chiến của Nhà nước, các hình thức sinh hoạt văn nghệ hội hè, tín ngưỡng tâm linh của cá nhân và tập thể vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước bị ngăn cấm để tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Trong hoàn cảnh lịch sử này, mọi hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn nghệ tập trung đông người đều bị cấm.

- Sau 1975, dù đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng cơ chế và thiết chế văn hóa chưa kịp chuyển biến phù hợp và kịp thời. Gần hai chục năm tiếp đó, đời sống kinh tế miền núi cực kỳ khó khăn, các cộng đồng không có điều kiện tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hầu hết các hoạt động văn hóa truyền thống chưa được quan tâm khôi phục, đầu tư hoạt động.

-Từ 1995 trở lại đây, nhờ có cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đời sống kinh tế - văn hóa khu vực miền núi được ban hành và chỉ đạo thực hiện ở các cấp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản mới được sự quan tâm của chính quyền, các cấp quản lý văn hóa từ tỉnh đến xã/phường. Thực trạng sinh hoạt văn hóa cộng đồng được thể hiện qua các hình thức tổ chức, hoạt động sau đây

Một là, cộng đồng đã chú ý đến sự hiện diện có uy tín của đội ngũ các nghệ nhân tại cùng không gian cư trú, có ý thức tham gia sinh hoạt hoặc học hỏi bài bản lời ca, điệu múa để đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân, tham gia với sinh hoạt chung của làng/bản mỗi khi diễn ra các cuộc sinh nhật, hiếu, hỉ.

Hai là, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp xã, huyện bước đầu tiến hành thành lập các đội văn nghệ, thu hút các cá nhân có khả năng múa hát và say mê với di sản, tổ chức các cuộc sinh hoạt mang tính nội bộ phục vụ cộng đồng, các lễ mít tinh, hội họp đoàn thể.

Ba là, một số nghệ nhân hoặc các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp người địa phương đã có ý thức tự thành lập các nhóm văn nghệ, sinh hoạt như hình thức câu lạc bộ hoặc nhóm hát, đầu tư kinh phí cho hoạt động theo sở thích của nhóm hoặc cá nhân.

Bốn là, các cấp xã, huyện (và những năm gần đây có sự tham gia của cấp tỉnh và Trung ương) đã hàng năm đầu tư kinh phí, tổ chức các cuộc thi hát dân ca, múa Xòe giữa các địa phương, bước đầu tạo kích thích cho sự nhận thức và phát triển sinh hoạt văn hóa cơ sở. Sự thành lập các trung tâm văn hóa huyện đã có ý nghĩa tác động tích cực đến phong trào. Năm là, do kinh tế tại hầu khắp các địa phương, đặc biệt là tại các thị tứ, thị trấn, thị xã và thành phố đã được nâng cao, cộng đồng đã có nhu cầu và đủ khả năng tổ chức các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại làng/bản nơi mình cư trú.

100% người dân được khảo sát đều cho rằng sinh hoạt Xòe nói chung và thực hành các điệu Xòe cổ truyền thống nói riêng của người Thái cho đến nay vẫn là sinh hoạt văn hóa chủ yếu của các làng/bản người Thái, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí cho mọi thế hệ, làm sôi động thêm cuộc sống hàng ngày ở bản, mường, đặc biệt vào thời gian đầu năm mới và thời gian rỗi sau mùa vụ. Kết quả khảo sát thực tế cho biết khá rõ sự đa dạng trong sinh hoạt đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó, múa Xòe giữ vai trò chủ đạo, là một thứ sản phẩm tinh thần không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái.

5. Trao truyền Xòe Thái

- Cho đến nay, hầu hết các cộng đồng làng bản người Thái tại các địa bàn thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên vẫn ham thích được tham dự các cuộc sinh hoạt múa Xòe nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng nói chung. Tại hầu hết các thôn/bản, việc trao truyền tri thức và kỹ năng Nghệ thuật Xòe Thái chủ yếu được thực hiện bằng truyền miệng và thông qua thực hành trực tiếp giữa các thế hệ, giữa các thành viên cộng đồng, không kể tuổi và giới tính, diễn ra ở ba cấp độ sau:

Trong các gia đình người Thái, trẻ em học Xòe từ ông bà, cha mẹ. Từ nhỏ, các em theo cha mẹ đến các nhà thầy cúng làm lễ, tham gia các cuộc vui, lễ hội và được người lớn trong gia đình hướng dẫn cách nhảy Xòe. Các thầy cúng truyền lại cho con, cháu kế nghiệp nghi thức cúng và các điệu Xòe nghi lễ.

Ở cấp độ cộng đồng, trong các nghi lễ, các thày cúng truyền dạy Xòe cho các con hoa. Các cuộc vui Xòe cộng đồng, những nghệ nhân, những bậc cao niên có năng khiếu, hiểu biết thuần thục Xòe hướng dẫn cách bước chân, vung tay, nhún chân theo nhịp điệu nhạc, cách sử dụng các đạo cụ như nón, khăn, gậy, chùm xóc nhạc. Tham gia truyền dạy, còn có các nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp, trao truyền bằng truyền khẩu và trực tiếp hướng dẫn thực hành cho cá nhân, trong lớp học.  

Tại nhà trường các cấp, các lớp học đều tổ chức sinh hoạt ngoại khóa để thực hành luyện tập, truyền dạy Xòe. Nhiều nhà trường đã liên kết chặt chẽ với đội ngũ nghệ nhân trong thôn/ bản và mời đến truyền dạy. Từ góc độ quản lý nhà nước, chính quyền các cấp cùng các ban ngành liên quan đã thường niên hoặc nhân dịp có các sự kiện chính trị - xã hội đứng ra tổ chức các cuộc thi, buổi liên hoan, ngày hội văn hóa có diễn xướng Xòe nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về Xòe, tăng cường giao lưu, trao đổi và chia sẻ kỹ năng thực hành Xòe giữa các cá nhân, cộng đồng làng/bản.

Lực lượng chủ yếu trực tiếp tham gia thực hành sinh hoạt múa Xòe đã mở rộng ở lứa tuổi thanh niên và trung niên là chủ yếu. Các hình thức truyền dạy trong nội bộ cộng đồng trong những năm gần đây đã tránh được sự tùy hứng, các đội văn nghệ hoặc người phụ trách nhóm sinh hoạt đã trở thành lực lượng nòng cột cho mọi hình thức sinh hoạt văn hóa của địa phương.

Thông qua phiếu kiểm kê, 85% người tham gia thảo luận đều khẳng định, thế hệ trẻ, con cháu các gia đình trong các bản làng/khu phố đều nhiệt tình và hứng thú tham gia trực tiếp vào các buổi sinh hoạt văn nghệ có thực hành Xòe. Phỏng vấn ngẫu nhiên các cháu (ở lứa tuổi 10 - 15) đã tham gia sinh hoạt văn nghệ ở địa phương hoặc nhà trường, đều cho rằng mình luôn thích thú được học múa Xòe một cách tự giác, cho dù không được nhận thù lao, miễn là được nhà trường và gia đình cho phép.

- 80% số nhóm thảo luận cho rằng, hiện nay, con cháu không có thời gian để tham dự các sinh hoạt văn nghệ của thôn bản. Lý do bởi thời gian học trên lớp và ở nhà chiếm 70%, thời gian phụ giúp gia đình làm kinh tế chiếm ít nhất 30% (do đa số các làng bản còn khó khăn về kinh tế, trừ một số xã phường thuộc các thị tứ, thị trấn nơi huyện lỵ sở tại hoặc thuộc thị xã, thành phố). Lớp trẻ hiện nay học múa Xòe chủ yếu qua 3 hình thức: Học từ chương trình được phát trên truyền hình; Học từ cách dạy trực tiếp truyền khẩu của bố mẹ (hoặc người biết múa hát trong làng bản); Học trong chương trình ngoại khóa ở nhà trường.

Hiện nay, các đội văn nghệ được chính quyền các cấp ra quyết định thành lập đã được hỗ trợ một phần kinh phí bồi dưỡng truyền dạy, được giúp đỡ về địa điểm sinh hoạt và được tạo điều kiện giao lưu giữa các làng/xóm hoặc tham gia các cuộc thi do chính quyền tổ chức.

Hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa đã chủ động sản xuất nhiều loại đĩa nhạc ca múa Xòe, để quảng bá di sản trong dân chúng. Đây cũng chính là một loại tài liệu phục vụ người học múa Xòe ở các làng bản.

Những năm gần đây, một só xã/phường đã chủ động tạo điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sĩ của quê hương đến dạy múa hát cho học sinh các lớp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Hình thức truyền dạy ở nhà trường do giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên được đào tạo âm nhạc hiện đại giảng dạy, trong thời gian hoạt động ngoại khóa.

 Đội ngũ các thành viên đội văn nghệ trở thành lực lượng thực hành và truyền dạy tại các thôn bản, mang lại hiệu quả rõ rệt.

6. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình bảo tồn và khai thác giá trị di sản

6.1. Về tình trạng và hiệu ứng tích cực của di sản

- Cho đến nay, phần lớn các sinh hoạt văn hóa văn nghệ nói chung và thực hành múa Xòe nói riêng đã được các cấp lãnh đạo chính quyền và quản lý văn hóa tại các tỉnh quan tâm, khôi phục, cả về vật chất (xây dựng nhà văn hóa cộng đồng) lẫn tinh thần (thành lập đội văn nghệ ở hầu khắp các làng bản người Thái, tổ chức các cuộc thi văn nghệ vào các dịp lễ kỷ niệm và dịp Tết Nguyên đán,…). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế các địa phương phần lớn còn eo hẹp cùng những hoàn cảnh chủ quan, khách quan khác nhau, số lượng các cơ sở dành riêng cho sinh hoạt nghệ thuật truyền thống một cách thường xuyên còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các địa bàn thị tứ, đô thị.

- Ý thức bảo tồn và duy trì các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống nói chung, múa Xòe nói riêng tại các thôn/bản/khu dân cư chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, thể hiện qua việc tham gia vào các đội văn nghệ, làm hạt nhân cho phong trào từng địa phương. Điều đặc biệt là vai trò của những cán bộ, bộ đội về hưu trí tại địa phương đã tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của quê hương mình.

- Việc thành lập hệ thống các đội văn nghệ quần chúng tại các thôn/bản/khu dân cư trong vòng gần chục năn gần đây đã bước đầu thu hút sự quan tâm của quần chúng. Cũng từ đây, theo chỉ đạo chung của chính quyền và các nhà quản lý văn hóa các cấp, lực lượng nòng cột trong các đội văn nghệ đã giữ vai trò tổ chức nhiều lớp học truyền dạy múa Xòe, hát dân ca, mang lại hiệu quả tốt đẹp.

Điều tra tìm hiểu những biện pháp địa phương đang làm để bảo vệ và phát huy múa Xòe trong đời sống, kết quả cho thấy, biện pháp được thực hiện phổ biến nhất là tổ chức đội văn nghệ thôn/bản chiếm tới 88,0%; thứ hai có 62,0% trong số những người được hỏi chọn biện pháp tổ chức sinh hoạt giao lưu thường xuyên trong thôn và với các địa phương khác; thứ ba, khuyến khích sinh hoạt tập luyện, thực hành theo nhóm là 53,0%.

Trên 30% trong số những người được hỏi cho rằng những năm gần đây, địa phương đã và đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát huy múa Xòe trong đời sống như: mở rộng sinh hoạt ngoại khóa tại nhà trường các cấp; xây dựng cơ sở vật chất tạo không gian sinh hoạt thường xuyên và có hình thức khen thưởng hỗ trợ nghệ nhân.

- Tại hầu khắp các thôn/bản/khu dân cư, hệ thống truyền thanh và truyền hình đã tăng thời lượng giới thiệu những bài dân ca tiếng dân tộc, những hình ảnh sinh hoạt múa Xòe từ các nhóm hoạt động nghệ thuật tiêu biểu,…Từ đó giúp người dân hiểu biết sâu rộng hơn về di sản văn hóa tộc người, trong đó nổi bật nhất là di sản Xòe Thái.Theo người dân, thực trạng tích cực này giúp cho các gia đình có thêm hình thức giáo dục sinh động cho con cháu lòng tự hào, về nhận thức xã hội, văn hóa nghệ thuật và lối sống đạo đức nói chung.

- Khảo sát thực tiễn tại các địa phương có tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ thông qua số phiếu kiểm kê từ 400 thôn/bản/khu dân cư của 4 tỉnh, có thể nhận thấy,chính quyền và các bộ máy quản lý văn hóa các cấp, đặc biệt là cấp xã đã trực tiếp cử người tham gia gánh vác trách nhiệm tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra tất cả mọi khâu của quá trình chuẩn bị nhân tài vật lực, diễn tập và điều hành sinh hoạt của đội văn nghệ. Tổng hợp các phiếu điều tra của các nhóm đại diện cho cộng đồng về phạm vi này, có thể nhận thấy 85% người dân hài lòng đối với chính quyền địa phương cấp xã và cấp thôn. Điều đó cho thấy rõ những cơ sở tạo ra sự đồng thuận theo chiều hướng tích cực để duy trì lễ hội cũng như sinh hoạt Xòe một cách bền vững và đem lại hiệu ứng tích cực trong quá trình khai thác những giá trị và ý nghĩa của môi trường sinh hoạt văn hóa - văn nghệ truyền thống, phục vụ công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong hiện tại và lâu dài.

- Bước đầu, chính quyền cấp xã đã kết hợp chặt chẽ với cộng đồng theo phương châm xã hội hóa trong quản lý đội văn nghệ, bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo thống kê, có 90% số ý kiến của cộng đồng nhất trí với bước đi ban đầu của chính quyền địa phương trong quá trình khôi phục, bảo tồn và khai thác giá trị của nghệ thuật Xòe Thái hiện nay trong quá tình tổ chức cho hoạt động của các đội văn nghệ tại địa phương.

6.2. Một số nguy cơ đặt ra từ thực trạng đối với di sản

- Qua điều tra, 95% số người đại diện cho cộng đồng thôn, bản, khu dân cư tham gia thảo luận đều khẳng định đa số các địa phương vẫn còn hạn chế trong các khâu sưu tầm, ghi chép về lịch sử di tích văn hóa tín ngưỡng cũng như diễn trình của di sản văn hóa truyền thống địa phương. Có một lý do nổi bật là số người biết chữ Thái hiện nay còn quá ít, có địa phương không còn ai.

- 80% nhóm thảo luận cho rằng, hiện nay, có một bộ phận lớp trẻ từ cấp tiểu học đến bậc trung học đã và đang có nguy cơ không đọc và nói được tiếng nói của dân tộc mình. Việc giao lưu, quan hệ từ phạm vi gia đình đến nhà trường và xã hội chủ yếu được sử dụng tiếng và chữ viết phổ thông. Điều đó sẽ là một trong những nguyên nhân mang tính dự báo dẫn đến sự hạn chế trong quá trình bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa tộc người.

- 70% các nhóm tham gia thảo luận phục vụ kiểm kê di sản đều cho rằng, môi trường diễn xướng của nghệ thuật Xòe Thái đã bị tác động khá sâu rộng về các mặt không gian diễn xướng, thời gian sinh hoạt và bản sắc về đạo cụ, trang phục, nhạc cụ phục vụ cho sinh hoạt văn hóa nói chung và nghệ thuật Xòe nói riêng. Thực tế cho thấy, càng ngày người dân càng ít tự chế tác các trang phục dân tộc, các đồ trang sức,… bằng cách thủ công như xưa.

- 95% người thảo luận đề nghị nâng cao vai trò hơn nữa của chính quyền các cấp trong việc tổ chức đầu tư trí tuệ, công sức cho việc sưu tầm, ghi chép, xuất bản và phát hành đến các thành viên trong cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương nói chung và sinh hoạt nghệ thuật Xòe Thái nói riêng... Đầu tư kinh phí để mở các lớp dạy tiếng Thái tại các địa phương.

- Hiện nay, đa số các thôn bản đang hiện tồn sinh hoạt văn nghệ truyền thống đều có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, không đủ năng lực vật chất để xây dựng phong trào học hát dân ca, tổ chức các hình thức sinh hoạt múa Xòe phong phú như xưa, đặc biệt là ở các xã thuộc diện nghèo, vùng sâu vùng xa. 100% các nhóm thảo luận đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí hơn nữa cho việc truyền dạy và khôi phục đời sống sinh hoạt văn nghệ truyền thống tộc người tại các thôn/bản.

Điều tra thực tiễn cho thấy, hầu hết các đội văn nghệ, trong đó có đội ngũ những người trực tiếp tham gia truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái, đặc biệt là các nghệ nhân am hiểu di sản này, còn ít được nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Nhiều nghệ nhân cao niên, có danh tiếng từ lâu (đã quá cố hoặc quá già yếu) không được quan tâm trợ cấp vật chất, vinh danh và khai thác vốn di sản do họ nắm giữ kịp thời. Do đó, một bộ phận di sản và tri thức về di sản văn hóa tộc người đã biến mất, gây ra thiệt thòi, mất mát cho văn hóa cộng đồng dân tộc Thái nói riêng và văn hóa cả nước nói chung.

- 90% người thảo luận cho rằng, chính quyền các cấp còn chưa năng động và sáng tạo trong việc mở rộng quan hệ, vận động sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ, các thành phần xã hội khác nhau đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa ở địa phương. Chính vì thế, sự hạn chế trong tiềm lực của công cuộc xã hội hóa phục vụ nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa đã chưa đủ lực tạo ra sức hút của di sản và quá trình trao truyền di sản giữa các thế hệ cũng như phát triển du lịch cộng đồng.

- Trong thực tế, sự gắn kết giữa nhà trường các cấp tại địa phương với việc bảo vệ, quảng bá giá trị di sản văn hóa của các làng/thôn chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng. Hiện tại, nội dung và cách thức trao truyền di sản văn hóa tộc người ở nhiều nhà trường cấp tiểu học và trung học đã chú ý đến việc mời nghệ nhân truyền dạy, nhưng ở một số địa phương, việc dạy ca múa vẫn đang chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và năng lực hiểu biết, nhận biết chủ quan của giáo viên dạy nhạc, giáo viên chủ nhiệm lớp có lòng say mê văn nghệ.

- 100% đại diện cho cộng đồng dân tộc Thái tham dự hội nghị kiểm kê di sản nghệ thuật Xòe Thái tại các địa bàn tổ chức hội nghị kiểm kê thuộc 4 tỉnh đã nhất trí đồng thuận với chính quyền và các nhà quản lý văn hóa các cấp trong việc xây dựng Hồ sơ nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO xét duyệt vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một số nghệ nhân đã viết tâm thư bằng chữ Thái, bày tỏ sự đồng thuận xây dựng hồ sơ với chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp.

6.3. Vai trò của cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái

Nghệ thuật Xòe Thái có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung. Vì thế thời gian qua Nghệ thuật Xòe đã được các cấp, các ngành tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên quan tâm và bảo vệ, tiếp tục duy trì Nghệ thuật Xòe Thái diễn ra theo truyền thống.

Tại tỉnh Yên Bái, thực trạng sinh hoạt văn hóa cộng đồng được thể hiện qua các hình thức tổ chức, hoạt động sau đây:Trong thời gian trước năm 2005, khi địa phương chưa tổ chức các chương trình du lịch về cội nguồn, các điệu Xòe vẫn được cộng đồng duy trì thường xuyên trong các dịp lễ hội của bản làng nhưng chỉ là các điệu Xòe tự do có cách điệu, biến tấu như Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe chai, Xòe quạt, Xòe nón, Xòe nắm tay, Xòe hoa, Xòe đôi nam nữ,… mà vắng bóng các điệu Xòe cổ. Những điệu Xòe này thường là do thế hệ trẻ thể hiện, nó mang hình thức, điệu bộ và tiết tấu mới nhưng nó vẫn dựa trên cơ sở, nền tảng, chất liệu của xoè cổ. Đây có thể coi là nền tảng để duy trì và thực hành các điệu Xòe cổ trong những năm tiếp theo.Từ năm 2005, các chương trình du lịch, các tuần văn hóa được tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn thì các điệu Xòe được mở rộng hơn về quy mô, chú ý hơn về hình thức và nội dung thể hiện. Lúc này, không chỉ là Xòe trong mỗi bản làng, Xòe trong mỗi xã, phường mà cả vùng cùng tham gia Xòe, hàng nghìn người cùng tham gia Xòe. Thêm vào đó, các nghệ nhân đã dịch thuật và phổ biến sáu điệu Xòe cổ tới cộng đồng nên nghệ thuật Xòe cổ đã bước đầu được phục hồi và dần phát triển.Những năm gần đây, ý thức được giá trị của di sản Xòe cổ, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến rộng khắp quy trình thực hành di sản này như: tổ chức truyền dạy sáu điệu Xòe cổ cho các bản; mời nghệ nhân Lò Văn Biến (86 tuổi - thị xã Nghĩa Lộ) cùng một số cá nhân khôi phục các điệu Xòe Thái cổ, mở lớp học tính tẩu, khèn; truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ, sau đó đội ngũ cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy. Xòe cổ với người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đã trở thành hình thức múa dân gian trọn vẹn và ý nghĩa, nó trở thành một điển hình của nghệ thuật múa truyền thống. Từ các trường học thuộc thị xã Nghĩa Lộ cho tới các xã, phường như: xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi, phường Tân An, Trung Tâm, Pú Chạng, Cầu Thia và các bản, làng hiện nay của Mường Lò đều có truyền thống xoè và phong trào Xòe quần chúng rất phát triển. Mỗi bản, làng đều có ít nhất một đội Xòe cổ, các đội Xòe có số lượng người tham gia ngày càng đông. Xòe được xác định là mũi nhọn trong hoạt động văn hóa, văn nghệ của vùng. Xòe cổ được mở rộng rất nhanh về quy mô và số lượng người tham gia. Họ không chỉ học từ các nghệ nhân, từ cán bộ văn hóa xã mà chủ yếu là tự truyền cho nhau, tự học hỏi lẫn nhau. Các đội Xòe đều thực hành thuần thục sáu điệu Xòe cổ bên cạnh các điệu Xòe khác như: Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe chai, Xòe quạt, Xòe nón. Năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn bài giảng Nghệ thuật Xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò do ông Lò Văn Biến là chủ biên để truyền dạy sáu điệu Xòe trong cộng đồng. Thời gian truyền dạy nhạc Xòe cho 20 người được tiến hành từ ngày 21 tháng 08 năm 2014 đến ngày 10 tháng 92014 do ông Lò Văn Biến trực tiếp truyền dạy. Đến nay, 2 đội nhạc công đã nắm vững nội dung bản nhạc giai điệu, tiết tấu, kỹ thuật sử dụng các nhạc cụ, nhạc khí để phục vụ trình diễn sáu điệu Xòe cổ.Thời gian truyền dạy sáu điệu Xòe cổ từ ngày 01 tháng 08 năm 2014 đến ngày 07 tháng 10 năm 2014 do ông Lò Văn Biến và nhóm giảng viên (7 người) truyền dạy. Mỗi đội được học trong thời gian 6 ngày. Học viên được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, kỹ thuật thể hiện sáu điệu Xòe cổ. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được 48 đội Xòe nòng cốt với 384 người thuộc 06 lứa tuổi, là hội viên các cấp hội tại 07 xã, phường là: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 02 đội nhạc công nòng cốt gồm 20 người (xã Nghĩa An: 10 người; Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao: 10 người). Hàng năm vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã Nghĩa Lộ luôn tổ chức các hội thi Xòe cấp cơ sở, phong trào này góp phần thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia. Mỗi bản hình thành các đội Xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản hướng dẫn tập luyện, thường xuyên biểu diễn giao lưu với các địa phương khác. Đặc biệt ở Nghĩa Lộ - Mường Lò hiện nay có một đội Xòe lên tới 2013 người được tập hợp từ các đội Xòe ở các bản để biểu diễn vào những dịp lễ tết và phục vụ những ngày hội văn hóa lớn được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Năm 2013, với 2013 người tham gia màn đại Xòe cổ tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, đã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam.

Đến nay, Xòe cổ nói riêng cũng như nghệ thuật Xòe nói chung của đồng bào Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò) đã trở một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Hình thức nghệ thuật này không chỉ để phục vụ cho các hoạt động xã hội mà đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân vùng lòng chảo này.

Tại tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng chương trình tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào những năm chẵn, Ngày hội văn hóa các dân tộc, chỉ đạo tổ chức lễ hội Hoàng Công Chất tại đền Bản Phủ, triển khai công tác bảo tồn lễ hội truyền thống như Kin Pang Then, hay chỉ đạo hoạt động tại các bản văn hóa gắn với phát triển du lịch... Xòe Thái được đưa vào thực hành trong các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách cùng tham gia. Trong những năm qua bằng chương trình đầu tư từ tổ chức chính phủ và phi chính phủ (đó là chương trình mục tiêu quốc gia và Quỹ Đan Mạch tài trợ) đã có nhiều dự án về bảo tồn dân ca, dân vũ và truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Đây được coi là một trong những động lực quan trọng góp phần bảo tồn nghệ thuật múa dân gian cũng như những loại nhạc cụ được sử dụng để tôn lên cái hay, cái đẹp của múa dân gian nói chung và Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã thành lập được 1.273 đội văn nghệ thuộc các thôn/bản, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển Nghệ thuật Xòe, đặc biệt là các bản văn hóa du lịch đã góp phần bảo vệ và phát triển Nghệ thuật Xòe bởi không chỉ những người dân bản địa mà còn cả những du khách khi tới đây cũng đều muốn tham gia và thưởng thức các điệu Xòe. Bản thân mỗi thành viên trong đội văn nghệ đã có ý thức, trách nhiệm cùng với sự đam mê về giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật mà cha ông để lại nên họ sẽ tiếp tục giới thiệu nét đẹp văn hóa ấy tới nhiều du khách trong và ngoài nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các đội văn nghệ, hàng năm bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư hỗ trợ cho nhà văn hóa bản tăng âm, loa đài, trống... Điều đó đã đem lại niềm vui cho dân bản, để rồi mỗi dịp vui hay những ngày lễ tết, người dân lại sum vầy tại nhà văn hóa cùng ca hát, nhảy múa và nối vòng tay lớn thiết lập vòng Xòe. Hiện nay việc tiếp thu, kế thừa Nghệ thuật Xòe Thái đối với thế hệ trẻ có nhiều hạn chế. Tuy nhiên những năm gần đây Chương trình phối hợp giữa các ngành triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” đã lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Nghệ thuật Xòe vào các chương trình ngoại khóa. Điều này rất có giá trị trong việc bảo tồn Nghệ thuật Xòe, vì thế các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp này. Điện Biên là tỉnh biên giới tiếp giáp với hai nước Trung Quốc và Lào nên thường xuyên có những dịp biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa với các các Đoàn tỉnh bạn. Qua đó Nghệ thuật Xòe Thái với nhiều điệu Xòe được trực tiếp giới thiệu rộng rãi tới các tỉnh bạn nước ngoài, đặc biệt là điệu Xòe vòng mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất đối với người Thái và là biểu tượng của tình đoàn kết bao giờ cũng được sử dụng để kết thúc trong các chương trình giao lưu với các Đoàn nước ngoài. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ/TU ngày 20 tháng 12 năm 2012 về chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến 2020 với nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn văn hóa các dân tộc; đầu tư phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc và trong đó Nghệ thuật Xòe Thái cũng là một trong những nhân tố tạo nên bản sắc văn hóa các dân tộc cần được bảo vệ.

Tại tỉnh Lai Châu, chính quyền tại các cộng đồng dân tộc Thái đã có những cơ chế, chính sách khá tốt để khuyến khích các hình thức trong công tác duy trì và phát huy di sản này. Mặc dù, các chính sách này tập trung vào phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái nói chung, nhưng nó đã phần nào khuyến khích và phát huy các giá trị của Nghệ thuật Xoè Thái nói riêng. Đặc biệt, đối với việc tổ chức và thành lập các câu lạc bộ văn nghệ thôn/bản ở hầu hết các cộng đồng đã vô tình giúp cho các giá trị văn hóa dân tộc có cơ hội được lưu giữ và phát huy bằng nhiều hình thức. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy, 1/ Số các thôn/bản đã tổ chức được các đội văn nghệ (94,0%). Bên cạnh việc tuyên truyền các loại hình sinh hoạt văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thì đội văn nghệ thôn/bản cũng là nơi thực hành và phát huy các loại hình văn nghệ của cộng đồng dân tộc. Tiếp đến các biện pháp đang được thực hành tại thôn/bản đó là: 2/ Khuyến khích sinh hoạt tập luyện, thực hành theo nhóm (56,0%); 3/ Tổ chức và sinh hoạt giao lưu thường xuyên hơn (51,0%); 4/ Xây dựng cơ sở vật chất tạo không gian sinh hoạt (49,0%); 5/ Có hình thức khen thưởng, hỗ trợ nghệ nhân (44,0%)

Một số cá nhân, nghệ nhân đã tích cực tham gia truyền dạy, bảo vệ Xòe Thái. Tiêu biểu, bà Đỗ Thị Tấc tự đầu tư xây dựng dãy nhà sàn phục vụ trưng bày các di sản văn hóa người Thái và truyền dạy Xòe cho cộng đồng tại thị trấn Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Một số nghệ nhân dân gian, tiêu biểu là các nghệ nhân như Lò Văn Sơi (68 tuổi - thôn Mường Cang, xã Mường Cang, thị trấn Than Uyên), Hoàng Ngọc Xíu (78 tuổi - thôn Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ) đã ghi chép và xuất bản tài liệu về nguồn gốc, cách thức Xòe, các điệu Xòe, bối cảnh diễn xướng, và những loại hình văn hóa dân gian liên quan. Tại huyện Nâm Nhùm, một số thầy cúng, thầy Then đã thường xuyên chỉ bảo cho các con nuôi cách thức Xòe mừng và tạ ơn Trời trong các nghi lễ. Tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, các nghệ nhân dân gian, những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái trong các đội văn nghệ tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các lớp mầm non, trường phổ thông.

Tại tỉnh Sơn La, nhận thức của chính quyền địa phương, đặc biệt của những cán bộ chuyên trách về văn hóa của tỉnh, về giá trị của di sản nghệ thuật Xòe Thái đối với cộng đồng người Thái nói riêng và đối với nền văn hóa phong phú và đa dạng của đất nước nói chung đã được nâng cao. Nhận thức tốt này đưa tới nhiều nỗ lực và biện pháp can thiệp liên tục trong vòng chục năm qua trong công tác phục hồi, bảo vệ và trao truyền di sản nghệ thuật Xòe Thái. Chương trình phát triển các đội văn nghệ quần chúng (trên thực tế nòng cốt là đội văn nghệ chuyên về múa Xòe Thái) ở hầu hết các thôn/bản người Thái trên địa bàn toàn tỉnh là một trong những hoạt động có hiệu quả cao của tỉnh Sơn La. Báo cáo 2014 của tỉnh cho thấy toàn tỉnh có trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng ở cấp thôn/bản (với kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương là 2 triệu đồng/năm/đội). Nhận thức rõ được tầm quan trọng của môi trường diễn xướng của nghệ thuật Xòe Thái cũng là một điểm mạnh của tỉnh khi việc bảo vệ và hát huy thực hành Xòe Thái được gắn liền với các hoạt động bảo tồn và phát huy các phong tục và giá trị văn hóa có liên quan chặt chẽ với Xòe Thái (lễ hội, tập quán, nghi lễ, ẩm thực, trang phục, nhạc cụ, nghề thủ công).

Di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam với các tên gọi và theo các quyết định sau của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

- Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.

- Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Điện Biên theo quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL năm 2013

- Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Lai Châu theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.

- Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Sơn La theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.

                                    Hà Nội, ngày 5 - 12 - 2018

Người viết báo cáo

GS.TS. Bùi Quang Thanh

(Trưởng nhóm kiểm kê khoa học)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lò Văn Biến (Sưu tầm và dịch từ bản chữ Thái) (1999), “Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng”, Văn hóa dân gian Yên Bái, tr. 67-72.

2. Lò Văn Biến (2005), Địa danh Thái cổ, Hội thảo “Văn hóa - du lịch”, Sở Văn hóa Thông tin - Sở Thương mại du lịch Yên Bái.

3. Lê Ngọc Canh (1998), Múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam (một số dân tộc), Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội.

4. Lê Ngọc Canh (1999), Văn hóa dân gian những thành tố, Nxb. Văn hóa thông tin - Trường Cao đẳng Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Lê Ngọc Canh (2001), 100 Điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6. Phan Hữu Dật, Cầm Trọng (1995), Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7.Trần Vân Hạc (2006), “Nồng say Xòe Thái Tây Bắc”, Yên Bái đất và người hành trình phát triển, Nxb. Văn hóa Thông tin - Công ty Văn hóa trí tuệ Việt, Hà Nội, tr. 125-128.

8. Hoàng Thị Hạnh, Lò Văn Biến, Nguyễn Mạnh Hùng (2005), Tìm hiểu một số tục cúng vía của người Thái Đen ở Mường Lò, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

9. Nguyễn Văn Hoà (1998), “Người Thái Đen cúng tổ tiên”, Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, (chương trình Thái học Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 453-460.

10. Nguyễn Mạnh Hùng (2003), Tìm hiểu xoè vòng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái ở Văn Chấn - tỉnh Yên Bái, khoá luận cử nhân Văn hóa quần chúng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, tr. 17-39.

11. Nguyễn Việt Hùng (2005), Tính đặc sắc của các điệu Xoè cổ dân tộc Thái, Hội thảo “Văn hóa - du lịch”, Sở Văn hóa Thông tin - Sở Thương mại du lịch Yên Bái.

12. Hà Lâm Kỳ (1998), “Tục thiêu xác và tín ngưỡng đưa hồn về Mường Trời của người Thái Đen ở Mường Lò, Yên Bái”, Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, (chương trình Thái học Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 507-510.

13. Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

14. Lâm Tô Lộc (1985), Xòe Thái, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.

15. Hoàng Thị Vân Mai (2007), Các địa danh ở Mường Lò, tỉnh Yên Bái liên quan đến lịch sử văn hóa của người Thái Đen, luận văn thạc sỹ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, tr. 6-24.

16. Nhiều tác giả, Một số vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tỉnh Yên Bái, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

17. Hoàng Việt Quân (2003), bản thảo, Địa danh Yên Bái sơ khảo.

18. Tỉnh uỷ Yên Bái (2000), “Dân tộc Thái”, Một số nét đặc trưng các dân tộc tỉnh Yên Bái, tr.47-54.

19. Bùi Chí Thanh (2007), Xoè Thái một giai đoạn phát triển độc đáo, Nxb. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.

20. Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam (1990), Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

21. Cầm Trọng (2005), Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

22. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

23. Đặng Nghiêm Vạn (1977), “Quắm tố mương”, Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

24. Đặng Nghiêm Vạn (2001), “Sơ lược về sự thiên di của các ngành Thái vào Tây Bắc Việt Nam”, Dân tộc văn hóa tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

25. Lò Văn Lả dịch, biên soạn, Quam tố mương (chuyện kể về bản mường).

26. Lò Văn Biến sưu tầm và dịch, Táy pú sớc (Bước đường chinh chiến của cha ông), Sử thi của người Thái đen, bản viết tay năm 1954.   

 27. Đề tài nghiên cứu khoa học (2014), Bảo tồn, lưu truyền 6 điệu Xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ, Mường Lò, Chủ nhiệm đề tài: Lò Thị Huân.

28. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1988), Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Chương trình Thái học Việt Nam. Nxb. Văn hóa dân tộc.


[1] Phỏng vấn Đỗ Thị Tấc, thị trấn Than Uyên, tỉnh Lai Châu ngày 31 tháng 5 năm 2018.

[2] Phỏng vấn Lò Văn Biến, bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày 18 tháng 4 năm 2018.

[3] Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội (1998), Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam. Chương trình Thái học Việt Nam. Nxb. Văn hóa dân tộc, tr. 21-24.

[4] Phỏng vân ông Đinh Văn Cửu (56 tuổi) ở thôn Đồng Lơi, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn ngày 16 tháng 4 năm 2018.

Biện pháp bảo tồn: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

  1. I. Đề xuất các biện pháp bảo vệ

- Để đảm bảo sức sống của Nghệ thuật Xòe không bị mai một, Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương có di sản cũng như cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc hợp tác cùng đề xuất các biện pháp bảo vệ như sau:

1. Tổ chức thực hành và truyền dạy thường xuyên 

- Duy trì và khuyến khích các nghệ nhân, các thành viên trong các bản thường xuyên tổ chức thực hành và truyền dạy Xòe trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa văn nghệ tại địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

2. Truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy

Giáo dục chính quy: Thực hiện chương trình giáo dục Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông doBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục & Đào tạo đồng ban hành năm 2013, giới thiệu các điệu múa Xòe, nhạc điệu Xòe và nhạc cụ cho học sinh tại các trường phổ thông ở 4 tỉnh. Các chương trình này triển khai nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong cuộc sống và trong phát triển bền vững.

Giáo dục không chính quy: các trường phổ thông thành lập các đội văn nghệ, trong đó có múa Xòe, mời các nghệ nhân đến dạy múa Xòe, và dạy đánh nhạc cụ, tập luyện để trình diễn Xòe tại các hội diễn, hội thi, tuần văn hóa các dân tộc ở vùng Tây Bắc.

- Khuyến klhích một số nghệ nhân mở lớp truyền dạy tại nhà, trong bản, khuyến khích các em nhỏ tham gia học múa và sinh hoạt Xòe vào những ngày nghỉ và kỳ nghỉ hè.

3.Nghiên cứu, kiểm kê và tư liệu hóa

- Những người cao tuổi, các nhà Thái học ở địa phương tiếp tục phối hợp với các nhà nghiên cứu trung ương như Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử ra đời, sự phát triển của Xòe thái cũng như những kỹ năng, môi trường thực hành và các điệu múa Xòe.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 4 tỉnh và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, xuất bản những công trình sưu tầm, nghiên cứu về Xòe Thái nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về Xòe.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương và cộng đồng tiếp tục cập nhật và kiểm kê di sản Xòe Thái ở 4 tỉnh và báo cáo với Cục Di sản văn hóa hàng năm.

4. Phục hồi:

- Một số thầy cúng, nghệ nhân phối hợp với những nhà nghiên cứu dân gian địa phương ở 4 tỉnh khôi phục những nghi lễ có múa Xòe, làn điệu Xòe truyền thống và truyền dạy cho các đội văn nghệ.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở 4 tỉnh hỗ trợ cộng đồng khôi phục một số lễ hội truyền thống ở vùng Tây Bắc trong đó có thực hành Xòe Thái như lễ hội rằm tháng Giêng của người Thái ở Mường Lò, tỉnh Yên Bái.

5. Nâng cao nhận thức và quảng bá

- Các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương lồng ghép chương trình giới thiệu và quảng bá về Nghệ thuật Xòe Thái trên các kênh liên quan đến văn hóa, tộc người. Ban Truyền hình Tiếng dân tộc của Đài Truyền hình Việt Nam tăng cường giới thiệu, quảng bá những di sản mang đậm đà bản sắc dân tộc như Nghệ thuật Xòe Thái.

- Chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại 4 tỉnh Tây Bắc định kỳ hàng năm tổ chức tuần văn hóa các dân tộc, hội thi, hội diễn, các buổi giao lưu văn hóa dân tộc trong phạm vi vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế thu hút sự tham gia của các đội Xòe.

- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hợp tác với Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể (ICHCAP, Hàn Quốc) sản xuất phim về Xòe Thái chiếu trên chương trình truyền hình ở các nước châu Á-Thái Bình Dương.

- Cho đến nay, không có hậu quả ngoài ý muốn của việc đưa Nghệ thuật Xòe Thái vào hồ sơ đề cử đệ trình UNESCO năm 2019. Sau khi làm hồ sơ đề cử này, các đội Xòe Thái nhận được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhiều hơn, như tỉnh Sơn La, năm 2019, tiếp tục tổ chức hội thi “Xòe Sơn La lần thứ hai” cho các đội Xòe ở tỉnh và giao lưu với các tỉnh khác.

  Ở những điểm du lịch cộng đồng thu hút đông khách như Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), Mường Lay (Điện Biên), Nậm Nhùn (Lai Châu), Mường La (Sơn La), chính quyền địa phương và cộng đồng đưa ra một số biện pháp thích hợp để hạn chế những tác động tiêu cực do số lượng khách du lịch tăng lên sau khi di sản được ghi danh.

  1. II. Vai trò Nhà nước và cộng đồng tham gia bảo vệ di sản

Vai trò của nhà nước:

- vật thể.

- Các thiết chế văn hóa cơ sở như các nhà văn hóa ở các bản, xã góp phần quan trọng trong việc thực hành Xòe.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, 2015.

- Năm 2015 và năm 2019 Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 9 nghệ nhân ở 4 tỉnh trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn liên quan đến Nghệ thuật Xòe Thái.

- UBND 4 tỉnh đã phê duyệt cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số dự án sưu tầm và phổ cập một số điệu Xòe và hỗ trợ về mặt tái chính tập luyện, mua nhạc cụ cho các đội văn nghệ. Hàng năm, UBND 4 tỉnh tổ chức tuần văn hóa, ngày hội văn hóa các dân tộc, hội diễn, hội thi trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái.

Di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam với các tên gọi và theo các quyết định sau của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Điện Biên (số 7 tại quyết định số 3820/QĐ–BVHTTDL ngày 31 tháng 10 năm 2013).

+ Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái (số 19 tại quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 06 năm 2015).

+ Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Lai Châu (số 18 tại quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDLngày 08 tháng 06 năm 2015.

+ Nghệ Thuật Xòe Thái ở tỉnh Sơn La (số 20 tại quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 06 năm 2015).

Vai trò của cộng đồng:

Tại tỉnh Yên Bái, các nghệ nhân đã dịch thuật và phổ biến sáu điệu Xòe cổ tới cộng đồng nên nghệ thuật Xòe cổ đã bước đầu được phục hồi và dần phát triển. Những năm gần đây, ý thức được giá trị của di sản Xòe cổ, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến rộng khắp quy trình thực hành di sản này như: tổ chức truyền dạy sáu điệu Xòe cổ cho các bản; mời nghệ nhân Lò Văn Biến (86 tuổi - thị xã Nghĩa Lộ) cùng một số cá nhân khôi phục các điệu Xòe Thái cổ, mở lớp học tính tẩu, khèn; truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ, sau đó đội ngũ cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy.

Xòe cổ với người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đã trở thành hình thức múa dân gian trọn vẹn và ý nghĩa, nó trở thành một điển hình của nghệ thuật múa truyền thống. Từ các trường học thuộc thị xã Nghĩa Lộ cho tới các xã, phường như: xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi, phường Tân An, Trung Tâm, Pú Chạng, Cầu Thia và các bản, làng hiện nay của Mường Lò đều có truyền thống xoè và phong trào Xòe quần chúng rất phát triển. Mỗi bản, làng đều có ít nhất một đội Xòe cổ, các đội Xòe có số lượng người tham gia ngày càng đông. Xòe được xác định là mũi nhọn trong hoạt động văn hóa, văn nghệ của vùng. Xòe cổ được mở rộng rất nhanh về quy mô và số lượng người tham gia. Họ không chỉ học từ các nghệ nhân, từ cán bộ văn hóa xã mà chủ yếu là tự truyền cho nhau, tự học hỏi lẫn nhau. Các đội Xòe đều thực hành thuần thục sáu điệu Xòe cổ bên cạnh các điệu Xòe khác như: Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe chai, Xòe quạt, Xòe nón. Năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn bài giảng Nghệ thuật Xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò do ông Lò Văn Biến là chủ biên để truyền dạy sáu điệu Xòe trong cộng đồng. Thời gian truyền dạy nhạc Xòe cho 20 người được tiến hành từ ngày 21 tháng 08 năm 2014 đến ngày 10 tháng 92014 do ông Lò Văn Biến trực tiếp truyền dạy. Đến nay, 2 đội nhạc công đã nắm vững nội dung bản nhạc giai điệu, tiết tấu, kỹ thuật sử dụng các nhạc cụ, nhạc khí để phục vụ trình diễn sáu điệu Xòe cổ.Thời gian truyền dạy sáu điệu Xòe cổ từ ngày 01 tháng 08 năm 2014 đến ngày 07 tháng 10 năm 2014 do ông Lò Văn Biến và nhóm giảng viên (7 người) truyền dạy. Mỗi đội được học trong thời gian 6 ngày. Học viên được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, kỹ thuật thể hiện sáu điệu Xòe cổ. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được 48 đội Xòe nòng cốt với 384 người thuộc 06 lứa tuổi, là hội viên các cấp hội tại 07 xã, phường là: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 02 đội nhạc công nòng cốt gồm 20 người (xã Nghĩa An: 10 người; Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao: 10 người). Hàng năm vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã Nghĩa Lộ luôn tổ chức các hội thi Xòe cấp cơ sở, phong trào này góp phần thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia. Mỗi bản hình thành các đội Xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản hướng dẫn tập luyện, thường xuyên biểu diễn giao lưu với các địa phương khác.

Tại tỉnh Điện Biên, đến nay đã thành lập được 1.273 đội văn nghệ thuộc các thôn/bản, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển Nghệ thuật Xòe, đặc biệt là các bản văn hóa du lịch đã góp phần bảo vệ và phát triển Nghệ thuật Xòe bởi không chỉ những người dân bản địa mà còn cả những du khách khi tới đây cũng đều muốn tham gia và thưởng thức các điệu Xòe. Bản thân mỗi thành viên trong đội văn nghệ đã có ý thức, trách nhiệm cùng với sự đam mê về giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật mà cha ông để lại nên họ sẽ tiếp tục giới thiệu nét đẹp văn hóa ấy tới nhiều du khách trong và ngoài nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các đội văn nghệ, hàng năm bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư hỗ trợ cho nhà văn hóa bản tăng âm, loa đài, trống... Điều đó đã đem lại niềm vui cho dân bản, để rồi mỗi dịp vui hay những ngày lễ tết, người dân lại sum vầy tại nhà văn hóa cùng ca hát, nhảy múa và nối vòng tay lớn thiết lập vòng Xòe.

Tại tỉnh Lai Châu, một số cá nhân, nghệ nhân đã tích cực tham gia truyền dạy, bảo vệ Xòe Thái. Tiêu biểu, bà Đỗ Thị Tấc tự đầu tư xây dựng dãy nhà sàn phục vụ trưng bày các di sản văn hóa người Thái và truyền dạy Xòe cho cộng đồng tại thị trấn Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Một số nghệ nhân dân gian, tiêu biểu là các nghệ nhân như Lò Văn Sơi (68 tuổi - thôn Mường Cang, xã Mường Cang, thị trấn Than Uyên), Hoàng Ngọc Xíu (78 tuổi - thôn Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ) đã ghi chép và xuất bản tài liệu về nguồn gốc, cách thức Xòe, các điệu Xòe, bối cảnh diễn xướng, và những loại hình văn hóa dân gian liên quan. Tại huyện Nâm Nhùm, một số thầy cúng, thầy Then đã thường xuyên chỉ bảo cho các con nuôi cách thức Xòe mừng và tạ ơn Trời trong các nghi lễ. Tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, các nghệ nhân dân gian, những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái trong các đội văn nghệ tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các lớp mầm non, trường phổ thông.

Tại tỉnh Sơn La, nhận thức của chính quyền địa phương, đặc biệt của những cán bộ chuyên trách về văn hóa của tỉnh, về giá trị của di sản nghệ thuật Xòe Thái đối với cộng đồng người Thái nói riêng và đối với nền văn hóa phong phú và đa dạng của đất nước nói chung đã được nâng cao. Nhận thức tốt này đưa tới nhiều nỗ lực và biện pháp can thiệp liên tục trong vòng chục năm qua trong công tác phục hồi, bảo vệ và trao truyền di sản nghệ thuật Xòe Thái. Chương trình phát triển các đội văn nghệ quần chúng (trên thực tế nòng cốt là đội văn nghệ chuyên về múa Xòe Thái) ở hầu hết các thôn/bản người Thái trên địa bàn toàn tỉnh là một trong những hoạt động có hiệu quả cao của tỉnh Sơn La. Báo cáo 2014 của tỉnh cho thấy toàn tỉnh có trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng ở cấp thôn/bản (với kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương là 2 triệu đồng/năm/đội). Nhận thức rõ được tầm quan trọng của môi trường diễn xướng của nghệ thuật Xòe Thái cũng là một điểm mạnh của tỉnh khi việc bảo vệ và hát huy thực hành Xòe Thái được gắn liền với các hoạt động bảo tồn và phát huy các phong tục và giá trị văn hóa có liên quan chặt chẽ với Xòe Thái (lễ hội, tập quán, nghi lễ, ẩm thực, trang phục, nhạc cụ, nghề thủ công).

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

 

 

 

XEM DANH  SÁCH NHỮNG NGƯỜI THỰC HÀNH NGHỆ THUẬT XÒE THÁI TIÊU BIỂU

 

Ảnh: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

 

 

Phim: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

Ghi âm: VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái